Kết quả nghiên cứu mới công bố của hãng tư vấn Boston Consulting Group cho thấy số lượng gia đình triệu phú Mỹ (tài sản trên một triệu USD) giảm từ 5,263 triệu xuống còn 5,134 triệu hộ trong năm 2011. Tổng tài sản của các gia đình này bốc hơi 0,9%, xuống còn 38.000 tỷ USD. Sa sút nặng nề nhất chính là nhóm các gia đình sở hữu trên 100 triệu USD (các hộ siêu giàu), tổng tài sản của họ giảm 2,4%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là thị trường chứng khoán đi xuống trong năm qua, trong khi tài sản của giới giàu Mỹ chủ yếu phụ thuộc vào thị trường này.
“Đây là lần đầu tiên lượng triệu phú Mỹ sụt giảm kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008”, ông Peter Damisch thuộc Boston Consulting nhận xét, “các thị trường mới nổi đang ngày càng nắm giữ vai trò lớn hơn trong thế giới giàu có”.
Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, số lượng triệu phú Mỹ sụt giảm. Ảnh: Bloomberg. |
Chung tình trạng với Mỹ, số lượng gia đình triệu phú tại Tây Âu cũng giảm trong năm 2011 với tổng tài sản bốc hơi 0,4%, xuống còn 33.500 tỷ USD.
Nghiên cứu được Boston Consulting tiến hành tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cho thấy, trái ngược với Mỹ và Tây Âu, số lượng gia đình triệu phú tại các thị trường mới nổi tăng thêm 175.000 hộ. Riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, lượng tỷ phú đã tăng thêm 6% với tổng tài sản tăng 11%, lên 23.700 tỷ USD. Boston Consulting Group dự báo trong 5 năm nữa, khu vực này sẽ vượt qua châu Âu về số lượng triệu phú với tổng tài sản là 40.000 tỷ USD.
Toàn thế giới hiện có 12,6 triệu gia đình triệu phú. Dẫn dầu về mật độ triệu phú là Singapore, cứ 100 hộ gia đình có tới 17 hộ là triệu phú. Đứng các vị trí tiếp theo là Qatar, Kuwait và Thụy Sĩ.
Trong năm 2011, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ là 3 nước có lượng triệu phú tăng thêm lớn nhất thế giới. Trong đó, số gia đình triệu phú Trung Quốc tăng 16% lên 1,43 triệu hộ, Singapore tăng 14% lên 188.000 hộ, còn Ấn Độ tăng 21% lên 162.000 hộ.
Dù giảm trong năm qua, nhưng Mỹ vẫn là nước có nhiều triệu phú nhất thế giới, theo sau là Nhật Bản và Trung Quốc.
(vnexpress.net)