Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng viễn cảnh tồi tệ nhất nhưng lại có nhiều
khả năng xảy ra nhất với Syria là phương án hành động bên ngoài quyền hạn của
Hội đồng Bảo an LHQ.
|
Sau khi người dân tiến hành chôn cất hơn 100 thi thể bị thiệt mạng, hôm qua có thêm 13 thi thể nữa được phát hiện trong thảm sát tại Houla. |
Sau một cuộc họp kín của Hội đồng vào hôm qua tại New York, Đại sứ Susan Rice
cho biết: “Nếu như các phương án khác nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này không
thành công, các quốc gia trên thế giới sẽ phải quyết định xem liệu họ đã sẵn
sàng hành động ‘bên ngoài quyền hạn của Hội đồng này’ hay không”.
“Kết quả đầu tiên và cũng là khả quan nhất sẽ là chính quyền Syria phải thực
hiện ngay lập tức các cam kết của họ trong kế hoạch của ông Annan [đặc phái viên
LHQ] như họ bắt buọc phải làm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ” – bà Rice
nói.
“Đó là điều mà ông Kofi Annan đang thúc đẩy, và đó là cách chắc chắn nhất,
tốt nhất để đưa mọi việc trở về quỹ đạo và khi đó thì vẫn còn viễn cảnh cho một
giải pháp về mặt chính trị. Tuy nhiên, vào lúc này thì viễn cảnh đó không có
nhiều khả năng xảy ra” – bà Rice cho biết thêm.
Sau vụ thảm sát tại Houla khiến hơn 100 người thiệt mạng, cộng đồng quốc tế
đã lên án kịch liệt và quy trách nhiệm cho chính quyền Syria. Hàng loạt các quốc
gia phương Tây đã trục xuất quan chức ngoại giao cấp cao của nước này nhằm phản
đối vụ thảm sát. Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Ả Rập Kofi Annan đã có cuộc gặp
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và nói rằng tình hình tại đây đã lên tới ‘đỉnh
điểm’.
“Viễn cảnh thứ hai có thể xảy ra đối với vấn đề này là Hội đồng sẽ tiếp nhận
trách nhiệm của họ và gia tăng thêm sức ép lên chính quyền Syria để buộc họ thực
thi các cam kết. Và sức ép đó có thể bao gồm các lệnh trừng phạt theo những hình
thức từng được đề cập và thảo luận, và chúng tôi đang nằm trong số những bên đề
cập tới khả năng này” – bà Rice nói về quan điểm của Mỹ.
Đại sứ Mỹ cho biết nếu mọi việc xảy ra theo một trong hai viễn cảnh trên thì
vẫn còn một cơ hội để ‘đưa tiến trình chính trị trở lại lộ trình’. Tuy nhiên, bà
Rice cũng đề cập tới một viễn cảnh thứ ba – được cho là tồi tệ nhất có thể xảy
ra với Syria.
“Nếu như một trong hai viễn cảnh trên không xảy ra, thì tôi cho rằng chỉ có
thể còn lại một phương án, và đó thực sự là điều tồi tệ nhất – đáng tiếc là lúc
này thì viễn cảnh đó lại có nhiều khả năng xảy ra hơn cả. Đó là bạo lực gia
tăng, xung đột lan rộng và dữ dội hơn, đạt đến mức độ ác liệt hơn”.
Trong trường hợp đó, bà Rice cho rằng “chúng ta sẽ có một cuộc khủng
hoảng rất lớn không chỉ ở Syria mà còn trong cả khu vực. Sự thống nhất trong Hội
đồng bị vỡ tan, kế hoạch của ông Annan thất bại… và các thành viên của Hội
đồng này và cộng đồng quốc tế chỉ còn lại một phương án duy nhất là phải cân
nhắc xem liệu họ có nên sẵn sàng hành động bên ngoài kế hoạch của ông Annan và
quyền hạn của Hội đồng này hay không”.
Trong khi đó, mặc dù tỏ ra lo ngại sâu sắc về diễn biến tại Syria, Nga vẫn
cho rằng không nên can thiệp hoặc trừng phạt Syria vào lúc này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng các bên ở Syria phải từ bỏ bảo lực để
tránh mọi sự việc như ở Houla lặp lại. Ông Lavrov nói thêm rằng việc thực thi kế
hoạch hòa bình của ông Annan đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối
cảnh hiện nay.
Ngoại trưởng Nga cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục phủ quyết nếu như Hội đồng Bảo
an đưa ra phương án can thiệp quân sự vào Damascus.
“Chúng tôi không ủng hộ chính quyền Syria” – ông Lavrov phát biểu khi có cuộc
gặp với Ngoại trưởng Anh William Hague nhằm thuyết phục Nga có quyết định cứng
rắn hơn với Syria.
“Việc quan trọng là chấm dứt bạo lực. Chúng tôi ủng hộ kế hoạch của ông
Annan” – Ngoại trưởng Nga khẳng định.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn 9000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung
đột xảy ra tại Syria.
- Lê Thu (theo RIA/CNA/Reuters)
(vietnamnet.vn)