Mặt phía nam của núi Everest nổi lên giữa những đám mây tại khu vực biên giới giữa Nepal và Trung Quốc. Ảnh: AP |
AFP cho hay trong số bốn người trên có một người Đức 61 tuổi, tắt thở ở mặt phía nam của ngọn núi. Người thứ hai là một người Hàn Quốc 44 tuổi, mất tích từ hôm 19/5 và tử nạn ở “Ban công”, khu vực gần đỉnh núi cao 8.850 m. Một quan chức cho biết một người Canada gốc Nepal và một người Trung Quốc cũng thiệt mạng cùng ngày.
“Hầu hết các ca tử vong đều do say độ cao”, một quan chức thuộc ban quản lý leo núi châu Á nói. “Những người leo núi sử dụng nhiều năng lượng khi họ đi lên và rồi kiệt sức, mệt mỏi khi đi xuống”.
Hồi tháng tư vừa qua, hai khách leo núi Nepal đã tử nạn ở Everest, trong đó một người bị ngã vào khe núi ở độ cao 5.900 m, còn người kia bị say độ cao tại một trạm nghỉ chân trên núi.
Khoảng 150 người đã nỗ lực chinh phục nóc nhà thế giới cuối tuần qua để tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi ở Everest trong mùa leo núi, kéo dài từ cuối tháng 3 đến tuần đầu của tháng 6. Nhiều người chia hành trình này thành nhiều ngày và qua đêm tại các trại nghỉ chân trên núi trước khi đạt đến đỉnh. Khách du lịch được khuyến cáo không leo lên đỉnh sau 11h sáng. Khu vực phía trên trại nghỉ chân cuối cùng được mệnh danh là “vùng chết”, nơi có những dốc đá lởm chởm và nồng độ oxy thấp.
Hôm 19/5, Tamae Watanabe, một cụ bà 73 tuổi người Nhật đã chinh phục Everest thành công, phá kỷ lục “Người phụ nữ già nhất leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới” của chính mình năm 2002. Bà đã tiếp cận đỉnh Everest từ mặt phía bắc của ngọn núi ở Tây Tạng cùng 4 người khác trong nhóm. Hiện tình trạng sức khỏe của cả nhóm đều tốt.
Người già nhất từng chinh phục đỉnh Everest là một phụ nữ Nepal, lập kỷ lục vào năm 2008 ở tuổi 76.
Anh Ngọc
(vnexpress.net)