Tinh Hoa

10 kỷ lục Việt được công nhận ở châu Á

Ngày 26/5, tại TP HCM, trong chương trình Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 22, Tổ chức kỷ lục châu Á sẽ trao cho Việt Nam 10 danh hiệu, trải dài trên nhiều lĩnh vực như địa lý, con người, di tích lịch sử…

Chuồng cọp trong hệ thống nhà tù Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo do người Pháp xây dựng từ năm 1862 được nhận danh hiệu Hệ thống di tích lịch sử nhà tù trên đảo lớn nhất. Di tích này nằm trên quần đảo ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý. Nơi đây từng giam giữ những chiến sĩ đấu tranh cho độc lập Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nhà tù gồm 8 trại giam chính, mỗi trại từ 10.000 đến 25.000 m2 cùng hàng chục trại phụ có thể đày ải hàng chục nghìn tù nhân. Chưa có nhà tù nào có nhiều khu kỷ luật như vậy: 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập Chuồng Bò, 120 Chuồng Cọp Pháp, 384 Chuồng Cọp Mỹ, chưa kể đến hàng chục khu biệt lập nhất thời để duy trì an ninh đối với những người tù.

Nếu như chế độ đày ải khắc nghiệt ở nhà tù Côn Đảo được ví như “địa ngục trần gian” thì ở các khu kỷ luật (hầm đá, xà lim, Chuồng Bò, Chuồng Cọp…) được xem như “nhà tù trong nhà tù”, “địa ngục trong địa ngục”.

Hiện nay, hệ thống nhà tù này là di tích thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Cuối năm 2011, trong chuyến đến Việt Nam ngắn ngủi, cặp sao Hollywood là Brad Pitt và Angelina Joile đã dành thời gian tham quan, tìm hiểu nhà tù Côn Đảo.

Danh hiệu “Ngôi chùa (trên đỉnh núi) bằng đồng lớn nhất” được trao cho chùa Đồng Yên Tử. Ngày 3/6/2006, chùa Đồng được tạo dựng lại và được đúc bằng đồng nguyên chất, nằm ở vị trí của chùa Đồng cũ. Đây là nơi cao nhất (1.068 m so với mặt biển), là nơi linh thiêng nhất của núi Yên Tử.

Chùa Đồng được danh hiệu kỷ lục châu Á.

Tam Tổ Trúc Lâm và các thiền sư thường chọn nơi đây thiền định để “Thân hóa đồng trụ, giới hòa đồng tu”. Núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều. Chùa Đồng mới hoàn thành ngày 30/1/2007, đúng vào mùa trẩy hội Yên Tử hàng năm.

Những kỷ lục khác được trao gồm có: Hành lang 500 vị La Hán dài nhất của chùa Bái Đính (Ninh Bình), Tượng phật thích ca bằng đồng dát vàng lớn nhất (chùa Bái Đính, Ninh Bình), Tượng chúa Kitô lớn nhất (đỉnh núi Tao Phùng, thành phố Vũng Tàu), Hang động khô có chiều dài nhất (động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng), Địa đạo dài nhất (địa đạo Củ Chi, TP HCM), Tượng phật quán thế âm bằng hoa lớn nhất (chùa Linh Phước, Đà Lạt), Sách độc bản “Thi vân Yên tử” lớn nhất do GS – TS Hoàng Quang Thuận thực hiện.

Tài năng Bùi Ngọc Thịnh.

Ngoài 9 kỷ lục kể trên, có một kỷ lục cá nhân được trao cho Bùi Ngọc Thịnh, với danh hiệu: Cậu bé mù chơi được nhiều nhạc cụ nhất. Bùi Ngọc Thịnh sinh ngày 19/4/2000, hiện sống cùng cha mẹ ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thịnh bị mù bẩm sinh nhưng bằng nỗ lực, cậu có thể chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ: đàn sến, đàn nhị, đàn organ, đàn guitar cổ, trống, đàn tranh và đàn kìm.

Năm 6 tuổi, Thịnh học chơi trống, 7 tuổi chơi được đàn guitar, 9 tuổi đánh được đàn organ, 11 tuổi đánh đàn nhị, đàn sến. Từ năm 2012, Thịnh học thêm đàn tranh và đàn kìm nơi thầy Xuân Hồi, đánh các loại nhạc cụ guitar cổ, sến… Thịnh đã sáng tác 3 bài hát: Cho ta, Ước mơ, Tung tăng.

Tại chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 22, các đại diện của tổ chức kỷ lục Lào, Campuchia cũng sẽ góp mặt. Ông Lê Trần Trường An, giám đốc Trung tâm Vietkings cho biết, dịp này đại diện 3 nước sẽ cùng bàn bạc kế hoạch ra mắt Tổ chức kỷ lục Đông Dương.

Thất Sơn

(vnexpress.net)