Tinh Hoa

Bộ ba chiến hạm Mỹ tới Indonesia tập trận

Chiến hạm USS Vandegrift FFG-48. Ảnh: Navy.mil

Ba chiến hạm USS Vandegrift FFG-48, USS Germantown LSD-42 và USCG Waesche sẽ cùng 831 quân nhân tới quốc đảo Đông Nam Á, Jakarta Post đưa tin. Tại Indonesia, các tàu này sẽ góp mặt trong cuộc tập trận mang tên “Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng trên biển”, viết tắt là CARAT.

Hoạt động nói trên sẽ diễn ra tại cảng biển Tanjung Perak, thuộc thành phố thủ phủ Surabaya của tỉnh Đông Java. Các tàu chiến của Mỹ sẽ có mặt tại đô thị lớn thứ hai của Indonesia từ ngày 28/5 tới 8/6.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của bộ ba chiến hạm Mỹ hiện vấp phải sự phản đối của những người có hoạt động buôn bán gắn liền với cảng Tanjung Perak.

Họ cho rằng các tàu chiến Mỹ sẽ cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng biển này, cụ thể là tại cầu cảng Jamrud Utara, gây nên sự mất mát về thu nhập ước tính lên tới 3,15 triệu USD. Các chiến hạm gây nên tắc nghẽn cho việc bốc dỡ hàng hóa, do các tàu hàng sẽ phải xếp nối đuôi nhau dài hơn. Những sự chậm trễ được cho là sẽ tác động tới những người làm ăn ở cảng Tanjung Perak do chi phí chờ đợi cao hơn thường lệ.

Những người buôn bán quanh cảng biển không từ chối sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ. Họ chỉ muốn chính phủ Indonesia nhận ra rằng hệ số tàu đậu chờ bốc dỡ ở cảng Tanjung Perak rất cao (khoảng 80%) và vượt khả năng của cảng này.

Độ dài của cầu cảng Jamrud Utara là 1.200 m. Trong số này, 120 m dành cho các việc sửa chữa tàu các loại, 500 m dành cho các tàu chở khách và 335 m sẽ được để dành cho các chiến hạm Mỹ. Như vậy, sẽ chỉ còn 245 m cho việc bốc dỡ hàng hóa. Độ dài này chỉ vừa với một tàu hàng duy nhất, trong khi tổng thời gian bốc dỡ hàng hóa của một con tàu lên tới từ 3 tới 4 ngày. Rất nhiều tàu sẽ phải thả neo ở ngoài để chờ đợi và tình trạng tắc nghẽn có thể kéo dài hơn một tháng.

Các tàu chiến của Mỹ thời gian qua xuất hiện Philippines, sắp hiện diện tại Indonesia và sẽ có mặt ở Singapore trong năm sau. Động thái này nằm trong chiến lược quân sự mới của Mỹ, với trọng tâm chuyển dịch dần sang khu vực châu Á – Thái Bình dương.

Nhật Nam

(vnexpress.net)