Khoảng 10 năm trở lại đây, bức màn bí ẩn về loài “dinh rắn”, loài quái thú được xem là tuyệt chủng tại Việt Nam luôn gây hiệu ứng mạnh với các quý ông vốn rất háo hức chuyện giường chiếu và niềm tin thoát khỏi bạo bệnh của các con bệnh nan y.
Người ta đồn đãi và tin rằng nhờ tính năng thần hiệu “khử bách độc” nên nếu uống bột từ cái sừng màu nâu nhọn nhọn cong cong chia thành nhiều khấc giống cán dù của “dinh rắn” thì kẻ yếu sinh lý trở thành hùm xám chốn khuê phòng, con bệnh ung thư sẽ lướt qua bạo bệnh một cách ngoạn mục…
Vì có quá nhiều người “thần tượng” nên sừng “dinh rắn” được giới con buôn rao bán với giá trên trời. Sau một thời gian dài vào cuộc, chúng tôi đã giải mã ẩn số về loài “dinh rắn” cũng như chiếc sừng trị bách độc này!
“Đại ca” của… tê giác
Trên thế gian này, “dinh rắn” không phải là con thú duy nhất có cái sừng được người đời “phong” là thần dược, siêu biệt dược… rồi gán đủ thứ trọng trách như chữa liệt dương, cải lão hoàn đồng, trị ung thư. Bằng chứng rõ nét nhất là bi kịch của loài tê giác vốn được đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên gọi là “trâu một sừng”.
Dẫu chẳng có cơ sở khoa học nào khẳng định sừng tê giác là “thánh dược” chữa bách bệnh và dù rằng các lương y, bác sĩ khuyên ra rả rằng bị ung thư thì phải đến bệnh viện chữa trị, chứ uống bột sừng tê giác thì mạng sống sẽ chịu cảnh tái tê, nhưng người ta vẫn mù quáng lao vào. Họ chi bạc tỉ lùng mua sừng. Họ hân hoan mài chiếc sừng mà họ có được đục từ sọ của loài tê giác lấy bột pha nước uống để được tráng dương, dứt trọng bệnh…
Chính niềm tin ấu trĩ ấy đã gây nên làn sóng lọc lừa với vô số vụ nhiều người lâm cảnh ngậm đắng nuốt cay khi mua phải cái sừng tê gốc sừng trâu hay nhựa tổng hợp với giá bạc tỉ.
Cùng đó là thảm cảnh lắm con bệnh sau một thời gian uống bột sừng tê, bệnh không những không được thuyên giảm mà ngày càng nặng, khi được bác sĩ chuyên khoa báo hung tin “nếu đến sớm và không uống bậy bạ thì khả năng khỏi bệnh gần như 100%. Còn bây giờ thì…”, biết hối hận thì mạng sống sắp “đứt bóng” rồi.
Thê thảm hơn, cũng chính sự ngu muội của những người có niềm tin ấu trĩ ấy đã khai tử loài tê giác, biến nó từ con vật có thật, từng một thời đầy rẫy ở khắp các cánh rừng nay chỉ là bóng hình của một thời quá vãng.
Sau khi ca tụng hết lời, Hạnh rao giá cái sừng của con “dinh rắn” với giá 200 triệu đồng |
Dẫu rằng chẳng ồn ào, ầm ĩ như cái sừng của con “trâu một sừng” nhưng không vì thế mà sừng “dinh rắn” kém phần khốc liệt. Trên các trang mạng, người ta đăng tin, viết bài về rất nhiều người là thầy thuốc đông y chính hiệu, hoặc tự xưng là lương y… “khoe” đang lưu giữ báu vật sừng dinh có tác dụng “hút”, “khử” mọi loại nọc độc. Và cũng lắm kẻ rao bán những mẩu sừng dinh bé xíu với giá hàng trăm triệu đồng với khẳng định “nó bổ gấp trăm sừng tê”, “sừng tê so với nó chỉ là… em út”.
Từ vài cuộc “mai mối” bắc cầu, người viết có được số điện thoại của 2 “kiều nữ” chuyên buôn đồ rừng loại “độc” như bào thai cọp, pín hổ mang chúa, tay gấu… và tất nhiên có cả cái sừng của loài “dinh rắn” bí hiểm.
Hẹn gặp tại quán cà phê N.T.Gian ở khu vực Hồ Con Rùa (quận 3, TP.HCM), nghe khách tỏ bày rằng có người nhà bị ung thư gan, cần mua sừng dinh đặng chữa bệnh, Huyền, có gương mặt rất khả ái vỗ đùi cái đét, nhoẻn miệng cười và ra sức “nhả ngọc phun châu”.
Sau lời khen “anh quyết định rất sáng suốt, chúc mừng anh đã tìm đúng người, em chuyên cung cấp sừng dinh”, Huyền quả quyết: “Hổng chỉ có ung thư gan đâu, ung thư kiểu gì nó cũng trị dứt điểm. Nhờ có nhiều dược tính hơn tê giác nên nó còn có tác dụng khu độc rất siêu. Ai muốn sung, trẻ khỏe dài lâu cứ việc mài bột mà uống. Bột sừng dinh chảy đến đâu thì độc chất trong cơ thể người ta tan đến đấy”.
Trong lúc Huyền tán dương cái sừng của con “dinh rắn” đến tận mây xanh thì Hạnh, người đi cùng thọc tay vào giỏ lấy ra cặp sừng nhọn nhọn cong cong dài khoảng 1 gang tay, đưa cho khách xem. Hạnh ra giá 1 cái sừng như thế 200 triệu đồng. Nhưng vì thương khách “có hiếu” nên giảm còn “trăm tám” (180 triệu đồng).
Thấy khách còn phân vân, Hạnh gân cổ thuyết phục: “Ung thư gan hay ung thư gì cũng vậy, chữa trị đau đớn, tốn kém lắm mà hiệu quả thì hên xui. Khi bị ung thư, bao giờ cũng vậy đám bác sĩ sẽ chỉ định cho mình làm đủ thứ xét nghiệm.
Sau đó thì phải chờ lên bàn mổ. Mổ xong rồi phải vào hóa chất, gọi là hóa trị. Ai vô hóa chất người cũng gầy rạc, đầu tóc trụi lủi nhìn gớm lắm…”. Hạnh kết luận: “Tại nhiều người họ hổng biết chứ chỉ cần uống bột sừng dinh thì hổng cần phải khổ sở như vậy!”.
Hôm đó, Hạnh – Huyền còn “ca” nhiều điều khác về sừng “dinh rắn” như bị rắn độc “hôn”, bị chó dại cắn, bị bọ cạp hay rắn, rết “nựng” khỏi cần đến bệnh viện tiêm huyết thanh hay vắc-xin chi cho mệt. “Chỉ cần anh cắt lát mỏng, đắp lên vết thương là tự động nó hút hết chất độc. Hút xong nó nhả ra, vậy là hổng còn phải lo bị chất độc phát tán hay phát dại”.
Người viết tiếp tục liên lạc với một số người tự xưng là “chủ sở hữu sừng dinh rắn” khác và cũng nhận được kiểu “quăng lựu đạn” tương tự đôi bạn Hạnh – Huyền. Tùng, rao bán một mẫu sừng dinh với giá 500 triệu đồng, tuyên bố nếu đem so tài, thi thố thì sừng tê phải vái sừng dinh là “đại ca”.
Trước mong muốn hiểu biết thêm về “dinh rắn” của vị khách tương lai, Tùng e hèm bảo do chiến tranh, do núi
rừng bị băm nát, do thợ săn ruồng bố mà “dinh rắn” tuyệt chủng từ thập niên 90: “Nguyên do của cái tên “dinh rắn” bởi con thú này chuyên ăn rắn, đặc biệt là các loại rắn hổ có nhiều dược tính như hổ đất, hổ chúa.
Thế nên toàn thân nó, đặc biệt là cái sừng là kho dược liệu khổng lồ” – Tùng bật mí và biện giải: “Món khoái khẩu của “dinh rắn” là rắn độc, còn tê giác thì chỉ ăn cây cỏ, lá cây, thế nên dược tính của sừng tê chỉ là em út so với sừng dinh rắn” (?!).
Dinh rắn là loài thú có thật và đã tuyệt chủng? Hay nó chỉ là “sản phẩm” của những kẻ ngu muội và phường con buôn “đồ độc” vốn quen tung hứng để trục lợi? Và cứ cho “dinh rắn” là loài có thật, vậy thì cái sừng cong cong nhọn nhọn ấy của nó có thực sự là “đại ca” của sừng tê, mài lấy bột uống vào bệnh gì cũng dứt, yếu cỡ nào cũng mạnh? Vào cuộc, chúng tôi vỡ lở nhiều sự thật… phũ phàng!
Vô thực và… xằng bậy
Người đầu tiên mà người viết tìm gặp hỏi thăm thông tin về loài “dinh rắn” và chiếc sừng của nó là lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi. Nhiều năm liền rong ruổi khắp các cánh rừng ở Bắc – Trung – Nam nhưng lương y Nghĩa tâm sự chưa từng thấy hay biết gì về loài “dinh rắn”: “Hồi thầy còn sống có rất nhiều người đến nhờ thầy thẩm định sừng tê giác và có trên 95% là sừng tê dỏm gốc sừng trâu. Riêng sừng “dinh rắn” gì đó thì chưa từng thấy ai mang đến” – lương y Nghĩa bộc bạch.
Hỏi thăm già làng Năm Nổi ở rừng Mã Đà (Đồng Nai) cùng nhiều già làng khác như già Điểu Griêm (sóc Bom Bo, Bình Phước), già làng Ama H’rin (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), người viết cũng nhận được những câu trả lời “không nghe, không thấy, không biết” gì về loài “dinh rắn”.
Không bỏ cuộc, người viết lần giở nhiều y văn những mong kiếm chút ít thông tin về quái thú “dinh rắn”. Trong cuốn “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc” của tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi đề cập hàng trăm loài chim – cá – thú có vị thuốc nhưng hoàn toàn không có chút thông tin gì về “dinh rắn” hay chí ít là cái sừng của nó.
“Cuốn Dược tính chỉ Nam” của đông y sĩ Hạnh Lâm và Nguyễn Văn Minh với cả ngàn bài thuốc, vị thuốc cổ cũng không hề nhắc gì đến “dinh rắn”. Điều này chứng tỏ nhiều khả năng, đây là con thú… vô thực.
Nhưng vấn đề cái sừng nhọn nhọn cong cong mà nhiều người tin đó là “sừng dinh” là sừng của con gì? Đó là điều khúc mắc mà sau hơn một năm kể từ lúc biết chuyện chữa bá bệnh của sừng dinh rắn, người viết mới có cơ hội khám phá từ một thông tin chia sẻ của bạn đọc: “Qua theo dõi nhiều bài viết trên các báo nói về chiếc sừng của con dinh – một loài quái thú chuyên ăn rắn có tác dụng hóa giải mọi nọc độc, chữa dứt các chứng bệnh ung thư, thần hiệu vượt trội so với sừng tê giác…, tôi cam đoan con dinh không có thật và chiếc sừng trị bá bệnh của nó hoàn toàn là lời đồn xằng bậy! Thực tế là chẳng có con “dinh rắn”, dinh thú gì cả. Đó chỉ là sản phẩm của những kẻ tà gian, nuôi ý đồ làm giàu bất chính mà thôi”.
Đấy là chia sẻ của ông N.V.K., một đại gia ở quận Thủ Đức, TP.HCM vì lý do tế nhị, đề nghị giấu tên. Ông K cho rằng sừng con dinh có thể là sừng của loài dê núi và trước khi đưa ra bằng chứng chứng minh, ông K. cho biết bản thân ông cũng từng lầm tưởng “dinh rắn” là loài có thật: “Cách đây hơn một năm, tôi có người thân bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình đã làm hết cách như dùng nấm cổ linh chi, cho uống bột sừng tê giác nhưng không ăn thua… Nên khi nghe thiên hạ râm ran chuyện sừng dinh chữa bá bệnh, gia đình tôi xem đó là hy vọng cuối cùng.
Chiếc sừng dinh “trị bách độc” rất giống sừng sơn dương |
Qua thăm hỏi, dò tìm, rồi tôi cũng lần được địa chỉ người đang rao bán sừng dinh. Sau những đắn đo, tôi quyết định mua cái sừng dinh cao khoảng 20cm, màu đen tuyền, nặng 450gram, với giá hơn 400 triệu đồng từ một người đàn ông ở quận 12. Gặp nhau tại quán cà phê trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), sau khi cho tôi xem cái sừng, anh này nói đó là vật gia bảo từ ông nội để lại. Anh ta nói cái sừng ấy do một tù trưởng ở Đắk Lắk tặng cho ông của mình”.
Sau khi chụp lại chiếc sừng dinh để nhờ người thẩm tra và “dằn cọc vài triệu đồng làm tin”, ông K. được một người bạn ở huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết đó là sừng sơn dương, là loài dê rừng từng có rất nhiều ở núi rừng Bắc Ái nhưng nay vơi dần.
Khi nhận được tin của bạn, ông K. ngưng giao dịch với gã nọ. Hai hôm sau, ông nhận được nguyên cái đầu sơn dương có hai chiếc sừng uốn cong như cán dù, thân chia thành những khứa tròn ăn đến tận chót sừng nhọn hoắt như chiếc sừng dinh mà ông từng thấy. Dứt câu nói, ông K. chỉ tay lên tường, nơi có 3 cái đầu sơn dương với 3 cặp sừng có cấu tạo nhọn nhọn cong cong giống mấy cái sừng dinh mà chúng tôi từng “mục ngưỡng” và lại tiếp tục mạch chuyện.
Ông cho biết khoảng đầu năm 2011 nhận được cái thủ cấp đầu tiên của loài sơn dương mà bạn ông lùng mua được từ một số tay chơi đầu mãnh thú. Nhìn cái sừng giống sừng con dinh như một khuôn đúc ra, đến lúc đó ông K. mới biết rõ sừng con dinh thực chất là sừng dê rừng. Ở một số vùng, do phát âm mà họ gọi dê là dinh.
Với suy nghĩ ấy và với thiện chí không muốn kéo dài tình trạng lừa đảo, “nổ banh nhà lồng” của những kẻ có tâm địa xấu, ông K. quyết định cung cấp sự thật phũ phàng về cái sừng dinh trị bá bệnh với chúng tôi nhằm cảnh báo cũng như cảnh tỉnh những ai tin vào con thú chuyên ăn rắn có mọc sừng. Để họ không dại dột tự biến mình thành miếng mồi của bọn lừa đảo, cũng như tự hại chính mình khi lẽ ra bệnh tình có thể chữa khỏi nhưng vì mải mê uống “bột sừng dê” khiế
n bệnh càng nặng, khi sực tỉnh thì bệnh đã ở giai đoạn vô phương cứu chữa!
Theo CAND
(vtc.vn)