Tinh Hoa

Tuyệt đẹp ảnh chụp toàn cảnh địa cầu từ khoảng cách 36.000 km

Chỉ từ một ảnh chụp duy nhất, vệ tinh Elektro-L No.1 của Nga đã cho ra bức ảnh toàn cảnh trái đất, với độ phân giải lên đến 121 megapixel, độ phân giải lớn nhất cho một bức ảnh đơn.

Thông thường, để chụp những hình ảnh độ nét cao và góc nhìn rộng (Paranoma), cần phải chụp từng lần lượt từng khu vực, sau đó ghép nhiều hình ảnh với nhau để tạo nên hình ảnh hoàn chỉnh với độ phân giải lớn hơn. Đó cũng là cách thức mà các nhà khoa học sử dụng để chụp ảnh toàn địa cầu từ vũ trụ.

Một trong những bức ảnh chụp địa cầu nổi tiếng nhất thế giới là bức “The Blue Marble” (Viên cẩm thạch xanh), được tàu vũ trụ Apollo 17 của NASA chụp lại vào năm 1972, từ khoảng cách 45.000 km so với trái đất. Để cho ra được hình ảnh này, NASA phải kết hợp nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh khác nhau, để cho ra một bức ảnh với độ phân giải lớn nhất.

Trái đất tuyệt đẹp qua bức ảnh chụp từ vệ tinh

Không giống với bức ảnh “The Blue Marble”, bức ảnh chụp từ vệ tinh thời tiết Elektro-L No.1 của Nga được chụp một lần duy nhất, thay vì chụp nhiều ảnh khác nhau rồi kết hợp chúng lại với nhau, từ độ cao 36.000 km so với trái đất.

Kết quả cuối cùng là bức ảnh có độ phân giải lớn nhất về trái đất, được chụp bằng một lần duy nhất, với độ phân giải lên đến 121-megapixel, cho phép người xem có thể zoom cận cảnh trên địa cầu.

Tuy nhiên, một điểm đặc biệt đó là màu sắc của quả địa cầu trên bức ảnh này có sự khác biệt so với màu sắc của địa cầu trong những bức ảnh được chụp bởi NASA. Sở dĩ có điều này là vì vệ tinh khí tượng của Nga đã sử dụng cảm biến để thu nhận cả ánh sáng nhìn thấy được và ánh sáng hồng ngoại từ trái đất. Ánh sáng hồng ngoại đã khiến cho tầng thực vật trên trái đất xuất hiện trên hình ảnh dưới dạng màu vàng đồng, thay vì màu xanh lục.

Bạn có thể xem toàn cảnh bán cầu Đông của quả địa cầu qua bức ảnh 121 megapixel chụp lại từ vệ tinh thời tiết của Nga tại đây (Có thể phóng to và thu nhỏ).

Vệ tinh thời tiết này của Nga chụp một hình ảnh toàn cảnh về trái đất 30 phút mỗi lần, từ độ cao hơn 35.000 km trên Ấn Độ Dương.

Từ những hình ảnh do vệ tinh ghi lại và đăng tải lên trang web của Trung Tâm nghiên cứu và theo dõi trái đất của Nga, James Drake, một nhà giáo dục người Canada đã sử dụng những hình ảnh này và kết hợp lại với nhau để tạo nên một đoạn video theo phong cách time-lapse (thời gian trôi đi), một cách đẹp mắt về địa cầu.

 

Phạm Thế Quang Huy

(dantri.com.vn)