Ngày ấy, tôi còn là cô sinh viên năm đầu tiên. Đặt chân trên giảng đường đại học, tôi không giống như nhiều bạn bè của mình. Ba là công nhân, mẹ là giáo viên đều đã nghỉ hưu, đồng lương ít ỏi nuôi hai chị em tôi đi học rất khó khăn.
“Bác có thể nhận cháu vào làm việc nhưng chắc chắn cháu sẽ mất rất nhiều thời gian, rồi khi đi làm về mệt, liệu cháu có còn thời gian để mà học tập?“ |
Bởi vậy, ngay từ năm học đầu tiên, tôi đã muốn đỡ đần cha mẹ bớt đi những khó khăn bằng cách tìm việc làm, có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống sinh viên.
Những ngày đầu, tôi đạp xe đến Trung tâm gia sư xin dạy học. Tôi phải đóng một khoản phí cho trung tâm (chiếm 50% số lương tháng đầu tiên) và được nhận một địa chỉ đi dạy 1 tuần/ 3 buổi.
Tính ra cũng chỉ mất phí tháng đầu, tôi nhẩm tính và tự nhủ mình sẽ cố gắng bớt chi tiêu, chịu khó một vài tuần rồi những tháng sau sẽ bù lại. Nhưng ai dè, đó là địa chỉ gây khó dễ cho tôi khi đi dạy, giá như họ thỏa thuận với tôi ngay từ lúc đầu, có lẽ tôi đã nhận được địa chỉ khác từ phía trung tâm hoặc được nhận lại số tiền lệ phí.
Buồn và tủi thân về số tiền mới bị mất, tôi kể với những người bạn, những anh chị sinh viên cùng phòng với mình, họ nhắc nhở tôi phải coi chừng cả những trung tâm gia sư, họ câu kết cả với những người nhà, hoặc người thân để tạo khó dễ khi đi dạy… tạo nên những điều khoản thuận lợi cho họ trong hợp đồng và bất lợi cho mình…
“Về lý và danh nghĩa thì họ đúng nhưng thực chất vấn đề thì là một trò lừa bịp sinh viên lấy tiền, một số địa chỉ vẫn có thực nhưng không phải là tất cả, con số ấy thật ít ỏi, cái thật, cái giả xen kẽ nhau trong mọi việc…”, một người bạn phân tích.
Mọi người bàn luận và nhắc nhở tôi. Quả thực, tôi cũng chỉ là một sinh viên mới ra Hà Nội học, không nghĩ đến những trung tâm gia sư cũng có những mánh khóe như vậy.
Buồn phiền vì số tiền đã mất, tôi rút ra bài học cho mình và không nản lòng kiếm một công việc khác mà không mất phí cho trung tâm.
Tôi đạp xe dọc đường phố, trong giỏ xe là chiếc bản đồ phòng khi bị lạc còn biết đường về nơi ở trọ. Tôi để ý những cửa hàng ăn, những quán café cần tuyển người chạy bàn, rửa bát là dừng xe vào hỏi. Phải vừa đảm bảo được giờ giấc đến trường và không bị ảnh hưởng về giờ học nên thật khó. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên má phừng phừng nóng.
Tôi dừng xe tại một cửa tiệm có ghi những dòng chữ “tuyển nhân viên”. Đó là một cửa hàng chuyên bán những đồ ăn nhanh, đồ ăn sáng và đồ uống cho các em học sinh tiểu học.
Tôi đã tận mắt được chứng kiến những em đang trực tiếp bán hàng cho khách nhí, chân tay không ngừng nghỉ. Tôi hình dung ra công việc của mình nếu được nhận làm việc tại đây. Quả thực, có 3 người giúp việc thôi vẫn chưa đủ, bà chủ là người đứng chỉ đạo và thu tiền.
Đợi cho đến lúc khách thưa, tôi và bà chủ nói chuyện về công việc. Tôi kể lại câu chuyện và những lí do tôi cần việc làm. Bà chủ nhìn tôi và lắng nghe. Tôi có hứa sẽ làm những công việc ở đây một cách chu đáo để bà chủ yên tâm hơn. Bà chủ có vẻ quan tâm và thân thiện hơn, hỏi tôi về gia đình, nơi ở và học tập. Sau một hồi nói chuyện thì câu chuyện chuyển sang hướng khác. Bà chủ không tỏ vẻ như mình đang cần một người giúp việc như lúc đầu.
Bà khuyên tôi: “Cháu là sinh viên năm đầu tiên, biết tìm việc làm để phụ giúp gia đình là rất tốt. Nhưng đó chỉ là cách giải quyết khó khăn trước mắt. Cháu hãy suy nghĩ cho kĩ trước khi lựa chọn một công việc đối với mình. Bác có thể nhận cháu vào làm việc nhưng chắc chắn cháu sẽ mất rất nhiều thời gian, rồi khi đi làm về mệt, liệu cháu có còn thời gian để mà học tập? Bác rất cần người làm việc nhưng muốn chọn lao động phổ thông, các em ở đây không vướng mắc những công việc khác. Bác khuyên cháu đừng ham đi làm và cần phải tập trung vào học tập. Cháu học thêm ngoại ngữ, máy tính thật giỏi kết hợp với việc học tích lũy kiến thức ở trường. Sau này khi tốt nghiệp, cháu sẽ tìm được vị trí xứng đáng với khả năng của mình…”
Bác sẵn sàng nhận tôi vào làm và có nói về những công việc và nội quy ở đây. Nhưng bác vẫn khuyên tôi cần phải suy nghĩ lại. Suốt ngày hôm đó, tôi suy nghĩ về những điều bác nói và ngừng hẳn ý định xin việc. Tôi cần tập trung vào học tốt, trang bị cho mình kiến thức để sau này khi ra trường, có thể tìm cho mình một công việc xứng đáng với tấm bằng cầm trong tay. Tôi đã gọi điện cám ơn bác vào ngày sau đó.
Một bà chủ ở một cửa tiệm nhỏ đã cho tôi một lời khuyên có ý nghĩa đối với cuộc đời mà trên mỗi bước đường thành đạt của mình sau này, tôi không bao giờ tôi quên được.
- Hạnh Anh (Hà Nội) / (vietnamnet.vn)