Tinh Hoa

Ly kỳ chuyện đào trúng kho vàng giữa thành phố



– Anh bạn đồng nghiệp của tôi nhà cạnh nơi người rà phế liệu đào trúng “kho
vàng” ở tổ 34, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng hôm ngày 10-4 nói rằng
chính anh là người đã từng chạm tay vào miếng vàng và cũng chính anh biết rõ
ngọn nguồn những vụ người dân nơi vùng đất này tìm thấy nhiều kho báu dưới lòng
đất có tên gọi Gò Theo.

Và anh đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về
những kho vàng ở làng Gò Theo mang màu sắc hoang đường kỳ bí…


Bí ẩn kho báu ở Gò Theo

Anh bảo: Gò Theo là tên gọi của người xưa đặt cho
vùng đất có tứ cận: phía đông giáp xứ đất Bắc Thuận, phía bắc giáp Đông Phước,
phía Tây giáp QL1A, phía Nam giáp thôn Phong Bắc (nay là các tổ 34 đến 37, P.
Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).

Ông Đoàn Hoài (SN 1935) cho biết: Khi vợ chồng ông
đến định cư tại đất Gò Theo đã phát hiện có nhiều ngôi mộ xây hình mu rùa, song
không biết chủ nhân của nó là ai.



Gò Theo là tên
gọi của người xưa đặt cho vùng đất có tứ cận: phía đông giáp xứ đất
Bắc Thuận, phía bắc giáp Đông Phước, phía Tây giáp QL1A, phía Nam
giáp thôn Phong Bắc (nay là các tổ 34 đến 37, P. Hòa Thọ Đông, Q.
Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).


Dù những ngôi mộ vô chủ không người coi sóc, nhưng người dân nơi làng Gò Theo
hàng ngày vẫn hương khói. Điều kỳ lạ là từ những ngôi mộ hình mu rùa này, người
dân trong làng khi bốc hốt cải táng họ đã tìm thấy nhiều hũ vàng được chôn.

Nhưng như lời anh bạn tôi kể lại rằng, nhiều người
dân nơi làng Gò Theo mỗi lần tìm được những hũ vàng nơi những ngôi mộ cổ này lại
nhận lãnh những hệ lụy chẳng thể lường trước…

Anh Nguyễn Lực (SN 1960), trú tổ 15, P. Hòa Thọ Đông
cho biết: Khoảng năm 1989, trong khu vực Gò Theo có 3 anh em tên H., L., N. rủ
nhau đào những ngôi mộ có hình mu rùa với mong muốn tìm được chút ít đồ tùy táng
để bán kiếm tiền.

Cả 3 anh em H. chọn một đêm tối trời tiến hành đào
ngôi mộ gần nhà, tìm kiếm mãi nhưng chẳng thấy gì ngoài huyệt mộ đầy cát trắng
tinh và tấm bia chi chít chữ ngoằn ngoèo.

Đem tấm bia về nhà, anh em H. tìm một thầy nho dịch
giúp chữ trên tấm bia. Không ngờ, những dòng chữ ghi trên bia là tờ bản đồ chỉ
dẫn đến “kho vàng” được chôn trong một ngôi mộ khác nằm cách đấy khoảng 300m về
hướng đông bắc.

Nhờ có tấm bản đồ chỉ dẫn “kho vàng” trong tay, anh
em H. bắt đầu đào bới ngôi mộ. Không biết ba người đã tìm được bao nhiêu vàng
bạc trong mộ, nhưng khi nghe tin, nhiều người tìm vào được bên trong đã nhặt
được rất nhiều đồng tiền thời xưa còn vương vãi cùng 3 chiếc đèn dầu bị bỏ lại.

Người làng Gò Theo chỉ biết rằng, kể từ đó cuộc sống
của 3 anh em H. bỗng nên giàu có. Nhưng có một điều là tình cảm của họ không còn
gắn kết như xưa và con cái của họ ăn chơi hư hỏng.

Chỉ mấy năm sau, kinh tế của họ sa sút hẳn và hiện
nay đã chuyển đi nơi khác sinh sống.
 


Khu đất người
đào phế liệu phát hiện kho vàng, sau đó nhiều người từ các nơi đổ về
rà tìm kiếm kho vàng.

Khác trường hợp ba anh em anh H., anh P., (nay đã
mất-PV) tìm được hũ vàng cũng rất khó tin. Sau nhiều ngày lén lút đào ngôi mộ
hình mu rùa, nhưng khi vào bên trong anh P. chẳng tìm được một chút gì quí giá
ngoài chiếc kim tĩnh (quách) bằng đá.

Tiếp tục đào bới, không ngờ chiếc hũ đựng vàng được
chôn ngay dưới kim tĩnh khoảng 20cm. Từ ngày tìm được hũ vàng, cuộc sống gia
đình anh P. có đổi đời thật nhưng chẳng được bao lâu anh ta qua đời trong một vụ
tai nạn.

Tương tự, ông N. trong một lần dọn vườn, trồng rau
vô tình bắt gặp một buồng chuối bằng vàng. Bằng số vàng đó, ông N. phát tâm làm
nhiều việc thiện. Nhưng không lâu sau đó ông gặp tai nạn giao thông và nằm một
chỗ đến nay.

Anh bạn nói rằng, tính đến nay, người dân làng Gò
Theo đã có ít nhất 4 lần đào được “kho vàng” nơi những ngôi mộ hình mu rùa.

Vụ đào được “kho vàng” của người rà phế liệu hôm
10-4-2012 mới đây nhất cũng là chuyện bình thường với người dân ở đây. Nên dù
chứng kiến hoặc giúp người đàn ông rà phế liệu bỏ những mảnh vàng vào bao tải
mang đi, nhiều người vẫn không một lời tiếc nuối.


Chuyện kể đào trúng “kho vàng”

Địa điểm phát hiện hũ vàng là khu đất đang xây dựng
nhà của chị Nguyễn Thị Thùy T. thuộc tổ 34, P. Hòa Thọ Đông.

Khoảng 8 giờ, ngày 10-4-2012, anh Huỳnh Bá Hoàng (SN
1960), Tổ trưởng tổ dân phố 34 cùng anh Hoàng Tuấn Dũng đi uống cà-phê về. Vốn
là người địa phương nên khi phát hiện người đào phế liệu đang rà kim loại trên
đất nhà chị T, anh Hoàng bảo anh Dũng: “Tôi nhớ khu đất này có 1 mả xây bằng đá
ong nhưng chưa có ai đào…”. Vừa nói, hai người vừa đến xem thử.

Vừa đến nơi cũng là lúc người rà phế liệu dùng cuốc
đào lên một nắp đồng có 5 lớp (mỗi lớp dày khoảng 4mm) đã bị ô xy hóa và chiếc
hũ gốm bên dưới đã bị vỡ.
 


Ông Huỳnh Bá
Hoàng kể chuyện chạm tay vào vàng


Hai người dùng tay hốt giúp cho người rà phế liệu số bên trong hũ bỏ vào bao tải
của người này. Số kim loại được 2 người hốt giúp gồm: Nhiều lá kim loại màu vàng
nhạt có hình dạng như lá bồ đề, ngoài viền có răng cưa và trên mặt có nhiều hoa
văn lạ mắt cùng một số chữ được sắp xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn dày hơn gang
tay (lá lớn nhất khoảng nửa bàn tay, lá nhỏ nhất bằng đầu ngón tay cái).

Ngoài ra còn có một số vật khác có màu đá xám là
3 bộ ấm uống nước có kích thước: cao 8cm; đường kính 8 cm, dày khoảng 4mm. Kèm
theo mỗi ấm là 3 chén uống nước và 1 đĩa.

“Kho vàng” vừa tìm thấy còn có dây chuyền đã bị đứt,
một nhẫn có gắn 2 viên đá hình chữ nhật to khoảng hạt bắp (một màu xanh và một
màu đỏ).

Sau khi hốt xong số kim loại trên vào bao tải, người
rà sắt đưa lại cho anh Hoàng và anh Dũng một số lá kim loại nhưng hai người từ
chối và chỉ giữ lại 1 lá kim loại cùng 1 ấm và 3 chén (trong đó có 1 chén bị vỡ
phần đít) sau đó giao cho người khác cất giữ.

Vụ “khai quật” này diễn ra khoảng 20 phút và khi đã
gom gần như toàn bộ số hiện vật này cho vào bao, người đàn ông rà sắt mang ra
buộc lên yên xe cub78 chạy đi.


Vũ Trung


(còn nữa)

(vietnamnet.vn)