– Xưa nay nói đến cầm bút người ta nghĩ ngay đến bàn tay, ít ai nghĩ rằng anh
Phùng Văn Trường đã dùng miệng vẽ chữ. Điều khâm phục ở anh – từng nét chữ “nhả”
ra từ miệng đủ nét thanh, nét đậm….
Tìm đến ngôi nhà nhỏ ở thôn Nhân Lý – xã Nam Phương Tiến – huyện Mỹ Đức (Hà
Nội) – hình ảnh đập vào mắt là anh Trường đang dùng miệng cặm cụi vẽ chữ.
|
Anh Trường đang dùng miệng viết chữ. |
Trò chuyện mới hay, anh sinh ra không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa.
Lên 4 tuổi anh vẫn chưa biết đi, chưa biết cầm nắm vật gì. Lo lắng, bố mẹ cho
anh đến bệnh viện thì hay biết anh đã bị bại liệt cả chân tay. Trong tâm trạng
chán nản, nhưng nghĩ “còn nước còn tát” – ông bà Mười đã bán hết tài sản
chạy chữa nhưng bàn tay anh Trường cũng chỉ cầm được cây bút viết rất yếu. Còn
đôi chân thì vẫn bất động…
Đến tuổi đi học ngày ngày anh được những người bạn cùng xóm đưa đến lớp. Học
đến lớp 8 thì anh không thể viết được nữa do bàn tay đã cứng lại. Anh đã phải
giã từ cây bút.
Những tưởng số phận buộc anh phải gục ngã, buông xuôi tất cả nhưng không, anh
tự nhủ mình phải tìm cách để cầm lại cây bút. Ý nghĩ viết bằng miệng bắt đầu len
lói trong anh.
Những ngày tháng khổ luyện bắt đầu nhưng đó là cả một chặng đường gian nan,
ngậm bút để viết rất khó bởi nếu ngậm sâu thì chắc cây bút nhưng lại không nhìn
thấy nét bút, chỉ thấy một màu trắng của trang giấy như vậy rất dễ hỏng mắt, còn
nếu ngậm nông quá thì cây bút sẽ chuệch choạc rất khó viết. Để viết đẹp như thế
này là cả quãng thời gian 8 năm dòng anh khổ luyện.
Anh chia sẻ động lực giúp anh có thể viết bằng miệng được đó chính là ước mơ
được đi học và được giúp những em nhỏ trong xóm.
Hiện tại anh đang dạy thêm miễn phí cho hơn chục em nhỏ trong xóm. Hằng ngày
ngoài thời gian lên lớp các em lại đến để nhờ anh kèm thêm.
|
Nhìn những nét chữ này ít ai nghĩ rằng nó được viết bằng miệng. |
Trong ngôi nhà nhỏ bé những chiếc bàn học được xếp ngay ngắn ở giữa nhà là
nơi anh ngồi dạy học cho các em nhỏ trong xóm.
Học trò của anh chủ yếu là ở bậc tiểu học nên rất khó khăn cho việc giảng
dạy. Anh phải vừa dạy vừa dỗ. Tuy nhiên, chưa lúc nào anh cảm thấy mệt mỏi và
bớt đi nhiệt huyết. Trái lại, anh lại tìm thấy niềm vui từ công việc này…
Vất vả là thế nhưng anh không hề nhận một đồng học phí nào, bởi với anh “mình chỉ giúp các em có thêm niềm tin đi qua các con mương, con
máng nhỏ thôi”. Và anh Trường luôn tâm niệm mình phải viết thật đẹp, tính thật
nhanh có như vậy các em với tin và nghe theo.
“Mình phải làm tấm gương trước thì các em mới nhìn mà học theo chứ” –
anh Trường tự nhủ.
Bên ánh đèn anh vẫn đang miệt mài dùng miệng vẽ lên những trang giấy, trang
giấy ánh lên một ngày mai tươi sáng của các em nhỏ nơi quê nghèo – Mỹ Đức.
- Nguyễn Văn Phúc
(vietnamnet.vn)