Tinh Hoa

Cơn sốt du học Mỹ của gia đình một con Trung Quốc

Với chính sách hạn chế dân số ở Trung Quốc, mỗi gia đình chỉ có một con nên
việc đầu tư cho con đi du học Mỹ là nguyện vọng và cũng là “nhiệm vụ hàng đầu”
của rất nhiều gia đình người Hoa.

Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống của người Trung Quốc ngày càng giàu
lên. Nhiều gia đình trung lưu hoàn toàn có khả năng chi trả học phí và các loại
phí khác để cho con du học. Các trường ĐH Mỹ, với mong muốn có thêm nhiều
sinh viên quốc tế để tăng tính đa dạng của mình, nhận thấy Trung Quốc là một thị
trường vô cùng tiềm năng và đổ xô sang Trung Quốc tìm sinh viên…

Cho con đi du học Mỹ là nguyện vọng và cũng là “nhiệm vụ hàng đầu”
của rất nhiều gia đình người Hoa. (Ảnh có tính chất minh họa)

Thuê công ty tư vấn “hoá phép” hồ sơ

Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Iowa State, hầu hết sinh viên Trung Quốc
hiện đang học ĐH ở Mỹ đều thừa nhận đã tìm đến một bên trung gian để giúp họ
trong quá trình nộp hồ sơ xin học.

Wanting Tang, hiện đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Quản trị và kinh
doanh quốc tế của Trường ĐH Delaware, là một trường hợp điển hình trong việc sử
dụng công ty tư vấn du học cho mục đích của mình.

Mẹ của Tang, đơn giản là muốn con mình được học ĐH ở Mỹ, đã tìm đến hơn chục
công ty tư vấn du học, kiên nhẫn lắng nghe những lời hứa hẹn và những câu chuyện
thành công của họ. Cuối cùng, mẹ Tang quyết định chọn công ty đã gợi ý trường
Delaware. Họ giúp Tang hoàn tất hồ sơ và hướng dẫn sát sao trong suốt quá trình
dự tuyển. Vì khả năng tiếng Anh của Tang chưa đủ tốt để viết các bài luận xin
học, nên nhân viên tư vấn du học đã ra một số câu hỏi với Tang bằng tiếng Trung
Quốc rồi sau đó xây dựng bài luận giúp Tang. Chi phí Tang phải trả để họ viết
bài luận cho mình là 4 nghìn đôla. Kết quả Tang được trường Delaware nhận vào
học.

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng sự xuất hiện của các công ty tư vấn cũng
giúp ích rất nhiều cho người muốn đi du học, bởi hồ sơ xin học vào các trường ĐH
Mỹ hoàn toàn bằng tiếng Anh trong khi sinh viên Trung Quốc không quen với quy
trình tuyển sinh của ĐH Mỹ, không có khái niệm về thư giới thiệu…

Nhưng vẫn có những công ty có hành vi gian dối. Giả mạo thư giới thiệu và
chữa bảng điểm là những gian lận thường gặp nhất. Ông James E. Lewis, giám đốc
tuyển sinh quốc tế của Trường ĐH Kansas State cho biết, ông đã từng nhận được
một tập hồ sơ dự tuyển gửi từ một công ty tư vấn du học trong đó 5 bảng điểm đều
có những điểm số giống hệt nhau, và điều kỳ lạ là những giấy tờ liên quan đến
tài chính đều được cấp bới một ngân hàng mặc dù sinh viên đến từ những vùng rất
khác nhau của Trung Quốc.

Mới đây, Zinch China – một công ty tư vấn cho các trường của Mỹ về Trung
Quốc, đã tiến hành phỏng vấn 250 học sinh phổ thông chuẩn bị lên đường sang Mỹ
học, cha mẹ học sinh và nhân viên viên tư vấn du học về thực trạng này. Kết quả
báo cáo khiến người ta kinh ngạc: 90% thừa nhận đã nộp thư giới thiệu giả mạo,
70% nhờ người khác viết hộ bài luận, 50% sửa đổi bảng điểm phổ thông trung học,
và 10% liệt kê những danh hiệu, giải thưởng mà mình chưa bao giờ được trao. Bản
báo cáo còn đưa ra dự đoán làn sóng hồ sơ giả mạo sẽ còn tiếp tục dâng cao khi
số học sinh Trung Quốc muốn đi học Mỹ ngày càng tăng.

Học gạo để lấy điểm TOEFL và SAT cao

Nền giáo dục của Trung Quốc vẫn nặng về thi cử. Học sinh cấp ba học hành vất
vả ở bậc phổ thông trung học chỉ nhằm mục đích duy nhất là thi đỗ vào ĐH. Vì
thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi sinh viên Trung Quốc dành ra hàng tháng trời để
luyện thi SAT hay TOEFL để đáp ứng yêu cầu đầu vào của các trường ĐH Mỹ.
Patricia J. Parker, phó giám đốc tuyển sinh của Trường ĐH Iowa chia sẻ, một số
sinh viên Trung Quốc tự hào khoe với cô rằng họ nhớ được rất nhiều từ vựng, học
thuộc lòng câu trả lời cho từng câu hỏi thi, và nắm rõ các mánh để đoán câu trả
lời đúng.

Nhiều sinh viên Trung Quốc được nhận vào học tại trường Iowa với điều kiện
sau một thời gian phải đạt được điểm TOEFL như yêu cầu của trường. Cô Parker đã
chứng kiến rất nhiều sinh viên chỉ sau một kỳ nghỉ hè đã tăng đáng kể điểm số
TOEFL mặc dù kỹ năng nói tiếng Anh không hề tốt lên. “Họ học để làm bài thi
chứ không phải học tiếng Anh”
, cô Parker nhận xét.

Ở Trường ĐH Kansas State, trong học kỳ mùa thu năm ngoái, một số sinh viên
Trung Quốc xuất hiện ở lớp với hình ảnh khác hoàn toàn so với ảnh chụp họ lúc đi
thi TOEFL. ETS, đơn vị tổ chức các kỳ thi chuẩn hoá quốc tế như TOEFL, TOEIC,
GRE, vv… cho biết họ đã rất cẩn trọng trong khâu tổ chức thi như yêu cầu thí
sinh dùng chữ viết tay để viết câu trả lời nhằm tránh tình trạng thi hộ, huỷ
điểm nếu phát hiện gian lận. Nhưng nhưng chính ETS cũng không thể khẳng định
được họ có thể kiểm soát hoàn toàn khả năng xảy ra gian lận hay không.

Những nỗ lực đãi cát tìm vàng

Trước đây chỉ có những học sinh giỏi nhất từ các trường trung học danh tiếng
nhất của Trung Quốc mới đi du học thì mọi việc còn trong tầm kiểm soát. Ngày
nay, làn sóng du học Mỹ ngày càng gia tăng ở Trung Quốc đẩy các nhà tuyển sinh
vào tình huống hết sức khó khăn. Họ phải làm quen và tìm hiểu về hàng ngàn
trường trung học ở Mỹ để đảm bảo tìm được sinh viên phù hợp.

Một số trường ĐH Mỹ, trong đó có trường Delaware, bắt đầu thuê các đơn vị
tuyển sinh giúp mình ở nước ngoài dù đây là hoạt động bị cấm ở Mỹ. Dù các công
ty tư vấn du học đứng ra làm đại diện cho trường ở nước sở tại, nhưng điều đó
không thể đảm bảo các trường ĐH Mỹ sẽ nhận được những bộ hồ sơ trung thực với
những bài luận, bảng điểm, điểm thi TOEFL, SAT thật 100% của sinh viên Trung
Quốc.

Các trường cũng tiến hành phỏng vấn ứng viên dự tuyển để nắm được một ứng
viên trong thực tế có giống như những gì được viết trong hồ sơ hay không, và để
đánh giá một cách chính xác hơn khả năng tiếng Anh cũng như năng lực học vấn của
ứng viên đó. Các trường có thể sử dụng sinh viên đang theo học hoặc các cựu sinh
viên để phỏng vấn ứng viên, có thể là trực tiếp, hoặc qua điện thoại, Skype.

Hội đồng Trao đổi Giáo dục Quốc tế (CIES), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ,
cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ phỏng vấn thuê. Một số trường còn thuê các đánh
giá viên từ bên ngoài để xem xét lại bảng điểm của sinh viên Trung Quốc, hoặc mở
văn phòng đại diện ở nước sở tại và thuê nhân viên địa phương giúp trường rà
soát những hồ sơ dự tuyển….

Trong vòng ba năm qua, số lượng sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ đã tăng gấp ba
lần, lên xấp xỉ 40 nghìn người, và đưa Trung Quốc vượt lên Ấn Độ, Hàn Quốc trở
thành quốc gia có sinh viên đi du học Mỹ cao nhất thế giới. Chỉ riêng Trường ĐH
Delaware, số lượng sinh viên Trung Quốc nhập học đã tăng nhảy vọt từ 7 vào năm
2007 lên 517 người vào năm 2011.

(vietnamnet.vn)