Tinh Hoa

Cựu binh Úc trở lại VN trao trả cuốn sổ thơ của người lính họ Phan

Cựu binh Úc Laurens Wildeboer, người đã dằn vặt suốt 40 năm vì lưu giữ cuốn sổ thơ và khăn quàng của người lính Việt Nam, dự kiến sẽ trở lại Việt Nam và trao những kỷ vật này cho thân nhân gia đình người lính vào ngày 3/4 tới.
    Cựu binh Úc và 40 năm dằn vặt vì lưu giữ bài thơ của người lính Việt

Cựu binh Úc Wildeboer (Ảnh The Age).

Theo thông tin từ Operation Wandering Souls (tạm dịch Chiến dịch Những linh hồn Phiêu bạt) do tiến sỹ Bob Hall và cộng sự của ông thuộc trường Đại học New South Wales tại thủ đô Canberra, cựu quân nhân Úc Laurens Wildeboer sẽ cùng ông Derrill de Heer, một nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học New South Wales, sẽ tới TP Hồ Chí Minh vào ngày mai 31/3 để trả lại những di vật là cuốn sổ thơ và chiếc khăn quàng cho người mẹ 85 tuổi của liệt sỹ Việt Nam.

Tiến sỹ Bob Hall và cộng sự đã thiết lập được một hệ thống dữ liệu những trận đánh của binh lính Úc trong cuộc chiến ở Việt Nam. Hệ thống dữ liệu này gồm các thông tin liên quan đến từng trận đánh ví dụ ngày, giờ, địa điểm, quân số lực lượng tham chiến của hai phía, số người thương vong của hai phía, số lượng đạn dược của từng loại vũ khí được sử dụng…

 

Bài thơ “Lá thư Xuân” mà cựu binh Wildeboer đã lưu giữ và dằn vặt trong suốt 40 năm.

Cũng qua hệ thống này mà tiến sỹ Hall đã đề nghị các cựu quân nhân của Úc và New Zealand trả lại những di vật, kỷ vật có thể giúp xác định danh tính những liệt sỹ của Việt Nam đã hy sinh trong các trận đánh đó. Và chính vì thế mà cựu binh Úc Laurens Wildeboer, người đã lưu giữ cuốn sổ thơ cùng chiếc khăn quàng của một người lính Việt Nam, đã có thể trao trả kỷ vật cho thân nhân của người lính.

Dự án Những linh hồn phiêu bạt có mục đích giúp chính phủ và nhiều gia đình Việt Nam xác định được những vị trí chôn cất các liệt sỹ và xác định danh tính của các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến với các binh lính của Úc và New Zealand trong thời gian từ 1966 đến 1971 ở tỉnh Phước Tuy (cũ), nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Dữ liệu này sử dụng hệ thống Google Earth và có thể xác định vị trí của nơi chôn của 3.700 liệt sỹ. Đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu đã xác định được tên của khoảng 500 liệt sỹ. Ông Derrill de Heer đã từng đến Việt Nam và ông sẽ tặng bản sao của hệ thống dữ liệu cho đại diện chính quyền của Hà Nội và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Vũ Quý

(dantri.com.vn)