Theo Business Insider, một người có tên Steve đã sử dụng công cụ spam tự động để pin (tương tự hoạt động share – chia sẻ thông tin trên Facebook) và like hàng nghìn ảnh về giày và quần áo trên Pinterest (mạng xã hội ra đời năm 2012 nhưng đã đạt 13 triệu thành viên). Nhờ đó, các bức ảnh này nhanh chóng hiện diện trong bảng xếp hạng mức độ phổ biến của site và thu hút sự chú ý của nhiều người hơn.
Hầu hết trong số hàng nghìn lượt pin ảnh là từ tài khoản ảo. |
Steve cũng thực hiện quy trình tương tự trên Twitter và Facebook nhưng nhận xét Pinterest mới là mạng dễ spam nhất: “Bạn chỉ cần ung dung ngồi đợi và cũng không phải đầu tư tiền bạc”. Các tài khoản của Steve đều chứa đường link dẫn đến trang mua bán liên kết trên Amazon. Mỗi khi người dùng bấm vào link sản phẩm, Steve sẽ được trả phí. Anh này mới bắt đầu thực hiện spam từ ngày 20/2 nhưng đã kiếm về hàng chục nghìn USD.
Hồi tháng 1/2012, Facebook đệ đơn kiện một công ty marketing ở Mỹ vì tội phát tán link rác. Họ viết code để đường link tự động hiển thị trên trang cá nhân (Wall) của người sử dụng mà không cần xin phép. Nếu người dùng bấm vào, link lập tức xuất hiện trên các tài khoản khác trong danh sách bạn bè của họ, còn công ty kia sẽ được trả tiền dựa trên số click. Tòa án bang Washington cho hay công ty này đã kiếm được tới 1,2 triệu USD mỗi tháng.
Các link spam có thể tự động hiển thị trên Wall của thành viên Facebook. Ảnh minh họa. |
Trước đó, từ năm 2008, chuyên gia Chris Kanich và các đồng nghiệp thuộc Viện khoa học máy tính quốc tế (Mỹ) thắc mắc tại sao có quá nhiều thư rác trong hòm thư của mình và spammer kiếm được bao nhiêu tiền từ e-mail quảng cáo. Họ tìm cách tạo ra một mạng máy tính ma (botnet) để thử nghiệm.
Kanich sử dụng phần mềm của một người môi giới nhằm lây nhiễm cho 8 máy tính. Những máy tính này lại truyền virus sang nhiều PC để chúng phát tán e-mail chứa link mua hàng (do nhóm Kanich tạo ra). Nhiều người rơi vào bẫy và thực hiện việc mua bán (tất nhiên, khâu giao dịch cuối cùng sẽ bị lỗi). Bằng việc tính toán tỷ lệ, họ đã ước tính con số mà spammer đạt được: 7.000 USD (tương đương 140 triệu đồng) mỗi ngày.
Châu An
(vnexpress.net)