Vương Lập Quân bị nghi tham gia tội ác ‘thu hoạch nội tạng’
Trước thềm chuyển giao lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, việc “quan lớn” Bạc Hy Lai – Bí thư thành ủy Trùng Khánh – ứng cử viên sáng giá cho một trong 9 vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất ghế là sự kiện gây sốc đối với dư luận trong nước và quốc tế.
Thêm vào đó, ngay sau khi bị cách chức, vị quan chức này lập tức “lặn mất tăm”, trong khi đó, chính quyền trung ương lẫn địa phương không đưa rất bất cứ lời giải thích nào về sự kiện trên khiến dư luận càng băn khoăn hơn.
Bạc Hy Lai “thân bại danh liệt” vì vợ?
Có không ít lời đồn đoán về nguyên nhân ông Bạc Hy Lai bị cách chức. Theo nhiều nguồn tin trước đó, ông Bạc mất ghế vì bê bối liên quan tới nhân vật dưới quyền ông, cựu Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân.
Tuy nhiên, Hãng tin Reuters đã phỏng vấn hai quan chức cấp cao của Trung Quốc và được tin việc ông Bạc mất ghế có liên quan đến vợ ông – Gu Kailai.
Ngoài ra, hai quan chức cấp cao giấu tên của Trung Quốc cũng xác nhận với Reuters rằng, Ban lãnh đạo trung ương nước này có lưu hành một báo cáo nhấn mạnh căng thẳng gần đây giữa ông Bạc và “thân tín” của ông là Vương Lập Quân và một bản báo cáo “điều tra sơ bộ” của Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị phát tán trên Youtube về trường hợp của hai quan chức này.
Bản báo cáo tiết lộ ông Vương cố tình cảnh báo cho ông Bạc về việc gia đình ông đang bị điều tra, sau đó trốn sang lãnh sự quán Mỹ ở Chengdu vì sợ bị trả thù.
“Ban lãnh đạo trung ương tuyên bố ông Bạc phải chịu trách nhiệm cho vụ bê bối của ông Vương Lập Quân. Còn vụ điều tra bà Gu, phu nhân của ông Bạc đã được tiến hành một thời gian và dường như ông Vương đang muốn lợi dụng vụ này như bình phong để ép ông Bạc che chở cho mình. Tuy nhiên, ông Bạc Hy Lai lại tỏ thái độ thù địch, tức giận khiến cho Vương Lập Quân lo sợ bị trả thù”, hãng Reuters dẫn lời quan chức giấu tên Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản báo cáo trên không lý giải tại sao ông Vương được giao điều tra ông Bạc và gia đình ông mà theo thông thường phải được đảm nhiệm bởi một quan chức cấp cao hơn từ trung ương. Ngoài ra, hiện chính trường Trung Quốc cũng đang dậy tin bà Gu Kailai đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.
Dù Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc không lộ ra bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ điều tra trên song truyền thông Trung Quốc loan truyền thông tin cho hay bà Bạc đang bị tố lợi dụng chức quyền của chồng để thu lợi hàng trăm triệu nhân dân tệ mỗi năm từ một văn phòng luật sư do bà Bạc thành lập. Phu nhân ông Bạc Hy Lai, bà Gu Kailai năm nay 52 tuổi, từng tốt nghiệp cử nhân khoa luật và thạc sĩ khoa chính trị quốc tế ĐH Bắc Kinh. Bà là vợ thứ 2 của ông Bạc.
…Hay do nội bộ đảng đấu đá lẫn nhau?
Tin đồn ông Bạc Hy Lai “thân bại danh liệt” vì muốn ngăn chặn vụ điều tra liên quan đến vợ ông dường như vẫn chưa phải là lời giải thích làm thỏa lòng dư luận Trung Quốc.
Không ít người tin rằng, nguyên nhân gây ra vụ bê bối Bạc Hy Lai không đơn giản chỉ có thế. Những người này phỏng đoán có thể ông Bạc là nạn nhân của cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa phe hữu khuynh và phe tả khuynh.
Sự thật là, trước khi vụ bê bối Bạc Hy Lai xảy ra, đối với công chúng và truyền thông Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh được ca ngợi như là “một ngôi sao đang tỏa sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc” khi giữa những lãnh đạo cứng rắn và nguyên tắc, ông Bạc nổi lên như là một chính trị gia nhiệt thành, sôi nổi và giành được rất nhiều cảm tình của người dân. Dưới sự lãnh đạo của ông Bạc Hy Lai, từ năm 2007, Trùng Khánh trở thành một cực tăng trưởng kinh tế đáng kể.
Ngoài ra, Bạc Hy Lai cũng nổi danh với chiến dịch chống tội phạm có tổ chức và tham nhũng tại Trùng Khánh. Hơn nữa, ông còn xuất thân danh giá với cha là Bạc Nhất Ba, Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc, một trong những người đầu tiên sáng lập ra đảng Cộng sản Trung Quốc. Cha ông từng bị trù dập trong cách mạng văn hóa, nhưng sau đó được Ðặng Tiểu Bình trọng dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Lai Hy lại là một trong những người khởi xướng chiến dịch “văn hóa đỏ”, một phần của chiến dịch cổ vũ các lý tưởng cộng sản cách mạng. Chưa kể, trước khi là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng thương mại của Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2007. Ở vị trí này, ông Bạc Hy Lai là người đứng ra dàn xếp, đàm phán, ký nhiều thỏa thuận thương mại với phương Tây và gây ấn tượng bởi việc vốn tiếng anh trôi chảy, lưu loát và sự am hiểu về các giá trị của phương Tây.
Tuy nhiên, Bạc Hy Lai dường như lại không phải là mẫu chính trị gia điển hình trong nền chính trị Trung Quốc. Yang Fan, một chuyên gia kinh tế, đồng tác giả cuốn “Mô hình Trùng Khánh – The Chongqing Model” và từng học cùng trường với người anh trai của ông Bạc nhận xét: “Bạc Hy Lai không phải là mẫu chính trị gia có khả năng thành công ở Trung Quốc. Nếu ông là một người Mỹ, có thể sự nghiệp chính trị của ông sẽ thăng hoa. Nhưng ở Trung Quốc, thì điều đó không phù hợp. Phong cách lãnh đạo và tham vọng chính trị của ông khác biệt với văn hóa chính trị truyền thống của Trung Quốc”.
Reutrers dẫn lời hai quan chức giấu tên cho hay, dù không có sự cố Vương Lập Quân, trước đó, ông Bạc vẫn bị nhiều người trong đảng Cộng sản Trung Quốc ghen ghét. “Ông ta đầy tham vọng và thiếu nguyên tắc. Điều này hoàn toàn trái ngược với chuẩn mực mà các lãnh đạo Trung Quốc cần phải có”, một quan chức giấu tên của Trung Quốc phát biểu với Reuters.
Ngoài ra, có nhiều băn khoăn và e ngại dường như đã nổi lên trong lòng các lãnh đạo tối cao nhất của Trung Quốc rằng “Bạc Hy Lai đang muốn vị trí nào trong Bộ chính trị?”… Và thế rồi, vụ bê bối của Vương Lập Quân lộ ra, củng cố thêm lý lẽ cho những người “không ủng hộ” Bạc Hy Lai rằng ông Bạc không đủ khả năng lãnh đạo Trùng Khánh, chứ đừng nói cả một đất nước.
Theo Baodatviet