Tân Hoa xã hôm qua (24/5) đưa tin, tại Thượng Hải, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m đã được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng từ đại dương của Trung Quốc. Số tiền đầu tư để xây dựng giàn khoan CNOOC 981 vào khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (923 triệu USD). Nhà thầu là Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) đã mất hơn 3 năm để hoàn thành.
Ảnh minh họa: yozonia |
Giàn khoan dầu khổng lồ này dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Với kích cỡ mặt sàn bằng sân bóng đá chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan khoảng 12.000m chiều dài, theo số liệu của CSSC.
Được trang bị thiết bị hiện đại cùng hệ thống định vị toàn cầu, CNOOC 981 có thể chịu được những rung chấn do bão lớn gây ra.
Trương Quốc Bảo, giám đốc Ủy ban Chuyên gia thuộc Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc cho hay, sự thành công của việc xây dựng giàn khoan khổng lồ có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc trong nỗ lực tăng cường khả năng khoan nước sâu và góp phần đảm bảo các tài nguyên hàng hải.
Trung Quốc trông vào nguồn nhập khẩu cho hơn một nửa tiêu dùng dầu khí nội địa, vì thế họ hăm hở tìm kiếm các nguồn tài nguyên năng lượng trên đất liền cũng như trên biển để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Vương Dĩ Lâm, Chủ tịch CNOOC, tập đoàn này coi việc cung cấp giàn khoan khổng lồ là cơ hội tốt để củng cố nỗ lực thăm dò dầu khí nước sâu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho Trung Quốc. CNOOC cho hay, giàn khoan sẽ được lắp đặt trong vùng biển của Biển Đông và bắt đầu thăm dò dầu khí vào tháng 7.
Biển Đông là một trong những cơ sở quan trong nhất cho việc sản xuất dầu và khí tự nhiên đối với CNOOC.
Trung Quốc đã nhập khẩu 84,96 triệu tấn dầu thô trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế tăng 18,6% lên mức 14,25 triệu tấn.
Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển tại đây. Ngoài ra, nỗ lực thăm dò khai thác các tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng cũng là một mục tiêu quan trọng khi nền công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh.
-
Thái An (Theo THX, peopledaily)