Tinh Hoa

Thị lực có thể giảm trong môi trường vũ trụ

Não và mắt của những người làm việc trên vũ trụ trong thời gian dài hứng chịu nhiều hội chứng bất thường.

BBC cho biết, các nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Texas tại Mỹ dùng máy chụp cộng hưởng từ để theo dõi não của 27 người từng làm việc trong thời gian tối thiểu 30 ngày trong môi trường không trọng lượng. Họ phát hiện tình trạng phình khoảng không gian chứa dịch tủy não xung quanh dây thần kinh thị giác ở 9 người, bẹp phía sau nhãn cầu ở 6 người, phồng ở dây thần kinh thị giác của 4 người, nhiều thay đổi ở tuyến yên ở ba người. Tuyến yên là cơ quan tiết ra và lưu trữ nhiều hoóc môn tham gia vào các hoạt động quan trọng của cơ thể người.

Những hiện tượng nói trên khá giống hậu quả mà hội chứng tăng huyết áp trong não gây nên. Chúng có thể làm giảm thị lực của phi hành gia và vài vấn đề khác.

Một phi hành gia làm việc bên ngoài Trạm Không gian Quốc tế. Ảnh: NASA.

Sức khỏe của phi hành gia là một chủ đề được giới y khoa quan tâm. Sống trong môi trường không trọng lượng trong một thời gian dài có thể khiến mật độ xương giảm và cơ thoái hóa. Ngoài ra các phi hành gia còn phải đối mặt với bức xạ nguy hiểm từ mặt trời. Vì thế, thời gian làm việc của các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) chỉ kéo dài 6 tháng. Nếu con người phóng tàu vũ trụ tới sao Hỏa trong tương lai, chuyến bay có thể kéo dài hơn một năm.

Các chuyên gia y tế của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nói rằng họ quan tâm tới mọi vấn đề liên quan tới sức khỏe phi hành gia, song nhận định những biểu hiện mà Đại học Y khoa Texas phát hiện trong não phi hành gia chưa đáng lo ngại.

William Tarver, giám đốc bộ phận y tế của Trung tâm Vũ trụ Johnson trực thuộc NASA, nói rằng có thể những hiện tượng trong nghiên cứu không phải là hậu quả của tình trạng huyết áp trong hộp sọ tăng.

Minh Long