Tinh Hoa

Nga, Hàn Quốc nhân bản voi ma mút tuyệt chủng


Voi ma mút đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước.

Vasily Vasiliev, phó hiệu trưởng Đại học liên bang North-Eastern của Cộng hoà Sakha thuộc Nga và nhà khoa học Hwang Woo Suk, người tiên phong trong lĩnh vực nhân bản của Hàn Quốc và giám đốc Quỹ nghiên cứu công nghệ sinh học Sooam, đã kí kết thoả thuận tại Seoul hôm nay.

Ông Hwang từng là người hùng quốc gia của Hàn Quốc cho tới khi một số nghiên cứu của ông trong việc tạo ra tế bào gốc bị phát hiện hồi năm 2006 là giả. Tuy nhiên, thành công của ông trong việc tạo ra Snuppy, chú chó được nhân bản đầu tiên trên thế giới, hồi năm 2005, đã được giới chuyên gia công nhận.

Các nhà khoa học tế bào gốc của Sooam giờ đây đang mong muốn nhân bản vô tính loài voi hiện đã bị tuyệt chủng, sau khi sự ấm lên của khí hậu toàn cầu làm tan các tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Siberia và để lộ hoá thạch của voi ma mút.

Các chuyên gia Nga và Hàn Quốc trong lễ ký kết tại Seoul hôm nay.

Sooam cho biết quỹ này sẽ khởi động việc nghiên cứu trong năm nay nếu Đại học North-Eastern có thể chuyển các hoá thạch tới Hàn Quốc. Viện gen Bắc Kinh cũng tham gia vào dự án.

Quỹ Sooam cũng nói sẽ chuyển giao công nghệ nhân bản cho Đại học North-Eastern, vốn đang phối hợp nghiên cứu với các nhà khoa học Nhật Bản nhằm làm sống lại loài voi ma mút.

“Công đoạn đầu tiên và khó khăn nhất là phục hồi các tế bào voi ma mút”, Hwang In-Sung, một nhà khoa học khác của Sooam, nói.

Các chuyên gia Hàn Quốc trước đó đã nhân bản thành công các động vật như bò, mèo, chó, lợn và chó sói.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tiến sĩ Hwang Woo Suk đã nhân bản thành công 8 con chó sói Bắc Mỹ trong một dự án được chính quyền địa phương tài trợ.

An Bình
Theo AFP