Cổ nhân thường nói “người tính không bằng trời tính”, trong lịch sử có rất nhiều bài đồng dao tiên đoán trước được sự hưng thịnh, diệt vong của một triều đại và họa phúc của các nhân vật lịch sử.
Các bài đồng dao này thường hay xuất hiện vào cuối triều đại và trong thời kỳ loạn thế, có lẽ là bởi những đứa trẻ ngây thơ dễ truyền đạt ý trời, những lời tiên đoán dường như nói với mọi người rằng, trong u minh mọi sự sớm đã có an bài.
7.“Bát cửu niên gian thuỷ dục suy, chí thập tam niên vô kiết di”
Những năm đầu Kiến An thời Hán Hiến Đế, tại Kinh Châu có bài đồng dao: “Bát cửu niên gian thuỷ dục suy, chí thập tam niên vô kiết di” (tạm dịch: Tám chín năm bắt đầu suy bại; đến 30 năm không còn lưu lại gì). Ý chỉ rằng triều Hán từ phong trào phục hưng đến nay, chỉ có Kinh Châu là có thể được bảo toàn.
Sau khi Lưu Biểu đến nhậm chức tại Kinh Châu, thì bách tính vẫn có thể sống an lạc vui vẻ, nhưng đến năm Kiến An thứ 9 thì bắt đầu suy bại. Cái gọi là bắt đầu suy bại, là chỉ từ sau khi vợ con của Lưu Biểu chết, các tướng lĩnh cũng lưu lạc suy vong. Còn 30 năm không có gì lưu lại, là chỉ Lưu Biểu chết, Kinh Châu cũng lụi tàn.
Lúc đó huyện Hoa Dung có một người phụ nữ, bỗng nhiên khóc lóc than rằng: “Sắp có đại tang”. Vì lời lẽ kém may mắn, nên huyện lệnh cho rằng đây là những lời tà thuyết mê hoặc quần chúng, liền bắt vào ngục. Hơn một tháng sau, trong ngục bà ta lại khóc lóc nói: “Lưu Biểu và Kinh Châu hôm nay đã tận số”.
Hoa Dung cách Kinh Châu mấy trăm dặm, huyện lệnh lập tức phái người cưỡi ngựa đi kiểm chứng, quả nhiên Lưu Biểu đã chết. Vậy nên huyện lệnh thả bà ta ra. Bà ta tiếp tục ca hát: “Không ngờ Lý Lập là quý nhân”. Không lâu sau, Tào Tháo bình định Kinh Châu, để Lý Lập, tự là Kiến Hiền người quận Trác Châu làm Thích sử Kinh Châu.
8.“Tam công quy vu Tư Mã”
Nước Đông Ngô lực không mạnh, Ngô vương không tín nhiệm bộ hạ, bố trí bắt giữ vợ con của các vị tướng lĩnh trấn giữ biên cương làm con tin ở hậu phương. Hàng ngày có mười mấy đứa trẻ cùng cảnh ngộ chơi đùa cùng nhau.
Tháng 2 năm Vĩnh An thứ ba thời Tôn Hưu, một hôm, có một đứa trẻ khoảng 6, 7 tuổi, mặc áo màu xanh đột nhiên đến chơi đùa với đám trẻ này. Đám trẻ không biết cậu ta, đều hỏi: “Ngươi là con cái nhà ai vậy, sao hôm nay lại đột nhiên tới đây?”. Cậu bé đáp: “Thấy các ngươi chơi vui vẻ, nên ta cũng đến đây chơi!”
Mọi người nhìn kĩ cậu ta, thì thấy đôi mắt cậu ta phát ra tia sáng rực rỡ. Đám trẻ sợ hãi vội vã hỏi lại. Cậu bé đáp: “Các ngươi sợ ta không? Ta không phải là người Trái Đất, ta là người sao Hỏa, ta có lời muốn nói cho các ngươi biết: Tam công quy vu Tư Mã”, ý rằng thế cục Tam quốc sẽ rơi vào tay nhà Tư Mã.
Đám trẻ hoảng sợ, có đứa chạy đi mách với người lớn, người lớn vội chạy đến xem chuyện gì xảy ra. Cậu bé nói: “Ta đi đây”! Rồi nhún vai bay lên không trung. Mọi người ngẩng đầu nhìn theo, thấy hình như cậu ta túm lấy một mảnh vải để đu lên trời. Mấy người đang chạy tới vẫn nhìn thấy. Cậu ta dần dần bay lên cao, một lúc sau thì biến mất.
Lúc đó pháp lệnh của nước Ngô vô cùng hà khắc, mọi người không dám kể chuyện này ra. Bốn năm sau nước Thục diệt vong, sáu năm sau nước Ngụy bị họ Tư Mã phế bỏ, 21 năm sau nước Ngô bị Tư Mã Viêm đánh chiếm, Tam Quốc thống nhất quy về triều Tấn của họ Tư Mã.
9.“Hoàng chương ca”
Kể từ những năm Như Ý thời Võ Tắc Thiên, trong dân gian lưu truyền bài ca “Hoàng chương ca”, lời bài hát là: “Hoàng chương hoàng chương thảo lý tàng, loan cung xạ nhĩ thương” (Tạm dịch: hoẵng vàng hoẵng vàng ẩn núp trong đám cỏ, bị người giương cung bắn trọng thương). Không lâu sau tộc Khiết Đan nổi dậy, giết chết Đô đốc Triệu Hội, doanh trại và phủ Đô đốc đều bị người Khiết Đan chiếm giữ.
Triều đình ra lệnh cho bốn người là tổng quản Tào Nhân Sư, Trương Huyền Ngộ, Ma Nhân Tiết, Vương Hiếu Kiệt, thống lĩnh hơn một trăm vạn binh mã đi thảo phạt, tất cả đều bị người Khiến Đan đánh bại. Bọn họ dẫn quân bại trận lui về khe Hoàng Chương, nhưng hết thảy đều bị người Khiết Đan giết sạch, không một ai chạy thoát. “Hoàng Chương ca” đã ứng nghiệm.
10.“Dương liễu dao
Sau năm Vĩnh Thuần đời Đường Trung Tông, thiên hạ ngâm nga hát: “Dương liễu dương liễu mạn đầu đà”. Sau đó xảy ra sự kiện Từ Kính Nghiệp, đầu tiên là ông nhậm chức Tư Mã ở Liễu Châu, tiếp đến là ngụy tạo thánh chỉ của hoàng đế, tự bổ nhiệm mình là Tư Mã Dương Châu, giết chết Trưởng sử Trần Kính, chiếm cứ một vùng Giang Hoài để tạo phản. Triều đình phái Lý Hiếu Dật đi thảo phạt, chặt đầu Từ Kính Nghiệp, dùng ngựa thồ về Lạc Dương. Chuyện này đã nghiệm chứng câu ca “Dương liễu dương liễu mạn đầu đà”.
11.“Khả liên an nhạc tự, liễu liễu thụ đầu huyện”
Trong những năm Cảnh Long thời Đường Trung Tông, công chúa An Lạc dâm lạc vô độ, đã dùng ngân lượng quốc khố để xây dựng phủ của mình một cách xa hoa phung phí, trong phủ mới hào hoa còn xây An Lạc tự nguy nga đồ sộ, tiêu tốn mấy trăm vạn lượng bạc trắng. Lúc đó có lưu truyền bài đồng dao: “Khả liên an nhạc tự, liễu liễu thụ đầu huyện” (tạm dịch: Thảm thương An Lạc tự, thủ cấp treo đầu cây). Sau đó, Đường Huyền Tông giết bè lũ Vi hoàng hậu, đồng thời giết công chúa An Lạc, rồi mang đầu treo trên sào tre, và gọi bà là “tà đạo thứ dân”.
12.“Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh”
Trong những năm Hi Tông triều Đường, thành Trường An lưu truyền bài đồng dao: “Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh, tướng quân kỵ mã xuất không thành. Hán gia thiên tử tây tuần thú, do hướng giang đông canh tác binh”. Lúc đó, Hoàng Sào đang nổi loạn, Đường Hi Tông cả ngày buồn bã không vui. Nghe thấy bài đồng dao này, mặc dù không hiểu rõ nghĩa, nhưng cũng biết rằng không phải điềm lành.
Theo lý giải trong sử sách, “Bát nguyệt vô sương tắc thảo thanh” là nói cỏ vẫn chưa úa vàng (Hoàng), ám chỉ rằng vẫn chưa gặp Hoàng Sào, đợi thêm một thời gian nữa, gặp sương sẽ úa vàng, lúc đó sẽ gặp Hoàng Sào. “Tướng quân kỵ mã xuất không thành” ngầm khuyên Hi Tông phải lập tức trốn khỏi thành Trường An. “Hán gia thiên tử tây tuần thú, do hướng giang đông canh tác binh” chính là tiên đoán sau khi Hi Tông trốn về Tứ Xuyên, phái sứ giả đến Giang Đông điều binh cứu giá.
13.“Mạc trục yên, trục yên nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ!”
Sau khi Minh thái tổ Chu Nguyên Chương mất, cháu của ông là Kiến Văn Đế kế vị, đồng thời bắt tay thực hiện chính sách ‘tước phiên’ để củng cố thế lực cho bản thân. Sau khi trừ khử mấy phiên vương có thế lực nhỏ bé, liền chĩa mũi nhọn về Yên vương Chu Lệ – người nắm giữ trọng binh.
Chu Lệ đảm nhiệm trọng trách đầy lùi quân Mông Cổ, là một phiên vương có ảnh hưởng lớn, nhưng lần này, mặc dù đã giả điên nhưng vẫn không tránh khỏi tước phiên. Cuối cùng Yên vương Chu Lệ đã khởi binh đánh bại Kiến Văn Đế, tấn công Nam Kinh, làm hoàng đế.
Trong thời gian Kiến Văn Đế thực hiện chính sách tước phiên, từng có một đạo sĩ điên hát ngâm nga trên đường, “Mạc trục yến, trục yến nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ!”. Sau khi chuyện kết thúc mọi người mới vỡ lẽ rằng, “Mạc trục Yên” là chỉ không được bức ép Yên vương, nếu không Yên vương ắt sẽ đạt được vị trí cao, cuối cùng làm hoàng đế. Đó chính là ý nghĩa của cụm “trục yên nhật cao phi, cao phi thượng đế kỳ”.
Tuệ Tâm, theo SOH