Thông thường, kinh tế một quốc gia sẽ bị coi là suy thoái nếu GDP sụt giảm từ 2 quý liên tiếp trở lên. Và những ngày đầu năm 2012 này, khu vực châu Âu đã “tụt một chân” xuống khu vực này khi số liệu GDP quý 4/2011 cho thấy đã có sự sụt giảm 0,3%. Ủy ban châu Âu cũng nhận định kinh tế 17 quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ phải hứng chịu một đợt “suy thoái nhẹ” do tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng, khủng hoảng nợ công, thị trường tài chính u ám và tình hình kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc.
Kim ngạch thương mại của Mỹ với các nước
Kinh tế châu Âu gặp khó, nước Mỹ chắc chắn có lí do để lo lắng. Kể từ năm 2010 đến nay thị trường chứng khoán Mỹ luôn gặp bất lợi mỗi khi có tin xấu về khủng nợ châu Âu đơn giản bởi các ngân hàng Mỹ đều có sự gắn kết chặt chẽ với hệ thống tài chính khu vực này.
Một khi EU rơi vào suy thoái các nhà đầu tư trái phiếu sẽ lo lắng về khả năng trả nợ của các chính phủ châu Âu. Sự lo lắng này có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu các chính phủ châu Âu và khiến cho cuộc khủng hoảng hiện tại thêm trầm trọng. Theo số liệu của EU, trong năm 2010, khu vực này tiêu thụ đến 22% sản lượng xuất khẩu và đóng góp khoảng 2,7% GDP của Mỹ. Đồng thời EU và Mỹ cũng là những nhà đầu tư lớn của nhau.
Trong năm 2007, FDI của Mỹ vào lục địa già này đã lên tới 1400 tỷ USD. Ở chiều ngược lại Mỹ tiếp nhận tới 1300 tỷ USD FDI từ châu Âu. Năm 2008, theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, các công ty nước này với cổ đông chính là các nhà đầu tư châu Âu có doanh thu lên tới 1700 tỷ USD và tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm.
Và trong nền kinh tế toàn cầu có sự gắn kết chặt chẽ như hiện nay, tác động của suy thoái khu vực châu Âu không chỉ dừng lại ở mối quan hệ 2 bờ Đại Tây Dương. Theo CIA World Factbook, EU hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhà xuất khẩu lớn thứ hai và cũng là nhà nhập khẩu lớn thứ hai. Còn theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC), các quốc gia khu vực này là những nhà đầu tư lớn nhất và là địa điểm thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất toàn cầu.
Kim ngạch thương mại của EU với Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tài chính Caixin Online, tỷ phú George Soros từng chỉ ra rằng trong quý 1/2011, các ngân hàng châu Âu đã cho các quốc gia đang phát triển vay khoảng 3700 tỷ USD, vượt xa mức giải ngân của các ngân hàng Mỹ (1500 tỷ USD) và Nhật Bản (700 tỷ USD). Bởi vậy nếu các ngân hàng châu Âu bị tác động bởi suy thoái, nguồn vốn dành cho các nước đang phát triển, vốn luôn có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu những năm gần đây, sẽ bị cắt giảm.
Để đương đầu với viễn cảnh suy thoái và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, NHTW châu Âu (ECB) có thể đưa ra thêm nhiều chính sách kích thích tài khóa. Nếu điều này xảy ra, giá trị đồng euro so với USD sẽ sụt giảm, khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Âu sẽ rẻ hơn hàng hóa của Mỹ.
Lợi thế này cộng với chi phí vốn rẻ mới đây đã giúp các doanh nghiệp của Đức hưởng lợi. Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này đã vượt Mỹ. Và nếu EU còn tiếp tục sử dụng chính sách đồng euro yếu để vượt qua khủng hoảng, chắc chắn kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại, nhất là hoạt động xuất khẩu.
Thanh Tùng
Theo IBT