14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, Nhật Bản rung chuyển bởi trận động đất mạnh 9 độ richter và chỉ chưa đầy 20 phút sau một cơn sóng thần khủng khiếp đã biến hàng loạt thành phố phía Đông Bắc thành đống đổ nát. 15.854 người thiệt mạng, 3.272 người vẫn còn mất tích. Hàng loạt tập đoàn công nghiệp Nhật lâm vào khủng hoảng nặng nề do nguồn cung linh phụ kiện bị gián đoạn, hoạt động sản xuất đình trệ, thị trường chứng khoán Nhật Bản lao dốc không phanh, GDP 2011 ước tính sụt giảm gần 1%.
1 năm sau khủng hoảng, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi mạnh mẽ
Vậy nhưng chỉ 1 năm sau, đã có những tia sáng le lói phía cuối đường hầm. Thứ Năm vừa qua chính phủ Nhật công bố GDP trong quý 4/2011 chỉ sụt giảm 0,7% so với 2,3% được công bố trước đó. Dù đây vẫn chưa phải con số được chờ đợi nhưng so với mức sụt giảm 6,8% trong quý 1/2011, ngày càng có nhiều cơ sở để hy vọng.
Sản lượng công nghiệp trong tháng 12/2011 đã tăng 3,8% và tiếp tục đi lên 2% trong tháng sau đó. Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đang dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 1,7% trong tháng 2 và 3. Trong năm nay, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD dự báo GDP của Nhật có thể đạt mức tăng 2, ngang với Mỹ và vượt xa triển vọng khu vực đồng euro (0,2 %). Chỉ số niềm tin người tiêu dùng giờ đã gần ngang với mức trước ngày 11/3.
Bên cạnh hoạt động tái thiết với mức đầu tư 258 tỉ USD, một trong những nhân tố tác động lớn để sự hồi sinh của kinh tế quốc gia Đông Á này chính là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHTW Nhật Bản (BOJ). Sau nhiều năm từ chối thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng mà thực chất là “bơm” tiền vào nền kinh tế, BOJ đã hoàn toàn thay đổi kể từ hôm 14/2.
Người Nhật khiến cả thế giới khâm phục về tinh thần vượt khó
Sau động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ, NHTW châu Âu và NHTW Anh, BOJ đã tuyên bố ý định triển khai chương trình mua lại gần như toàn bộ trái phiếu chính phủ Nhật phát hành trong năm 2012. Chương trình này sẽ giúp chính phủ Nhật cải thiện tình trạng nợ nần, vốn đã lên tới 200% GDP trong năm 2010 và có thể là 227% GDP vào năm tới theo dự báo của OECD.
Đồng thời BOJ cũng tỏ rõ quyết tâm vượt qua tình trạng giảm phát hiện nay khi đặt mục tiêu đưa lạm phát lên 1%. Một mục tiêu khác đó là tìm cách hạ giá đồng Yên so với USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu. Những quyết sách trên đã được thị trường đón nhận tích cực. Kể từ ngày 13/2, đồng Yên đã giảm giá 4,4% và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu cuối năm tỉ giá giữa Yên nhật và USD sẽ đạt 100 Yên đổi 1 USD. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei cũng đã tăng 9%.
Dù phía trước vẫn còn những thách thức từ triển vọng kinh tế toàn cầu, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, giá dầu leo thang hay đồng Yên chưa rõ có thể tiếp tục giảm giá hay không, nhưng với những kết quả đạt được trong 12 tháng qua, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng kinh tế Nhật Bản đang đi đúng hướng. Và một ngày không xa, bình minh rạng rỡ sẽ thực sự về trên đất nước mặt trời mọc.
Thanh Tùng
Tổng hợp