Khắp người Aatifa được quấn băng sau vụ tự thiêu.
Đôi mắt to xanh của cô bé Afghanistan 16 tuổi thay đổi liên tục, từ ánh nhìn giận dữ rồi chuyển sang ngấn lệ, khi kể về hành trình tự tẩm xăng vào người, bước ra ngoài nhà và châm lửa tự thiêu.
Kết hôn vào năm 14 tuổi, cô bé thêu thảm nhỏ tuổi có tất cả 9 anh chị em. Mẹ chồng cô bé đã liên tục “săm soi” việc nhà của cô bé và khuyến khích chồng đánh cô vì “tội” để mẹ đẻ tới thăm quá nhiều.
Cô bé đã trình báo với giới chức trách, nhưng càng bị khiển trách thêm vì gây rắc rối. Sau đó cô được thông báo rằng chồng cô ghét cô và sẽ cưới vợ hai. Aatifa đã bị giằng xé giữa sự tức giận và tuyệt vọng trước khi tự thiêu.
Đổ xăng từ đầu xuống và khi bước ra bên ngoài nhà, cô bé châm lửa. Ngọn lửa đã bùng cháy khắp 2/3 cơ thể cô bé. Em trai của cô bé đã phát hiện ra và dùng quần áo của mình để dập lửa. Sau đó cô bé được những người hàng xóm đưa đi viện.
“Tôi chỉ muốn tự sát, đó là mục đích của tôi”, cô bé cho biết khi cánh tay gày trơ xương của cô chằng chịt vết sẹo bỏng. “Tôi có thể làm được gì nào? Tôi không còn hữu dụng nữa. Tôi muốn ly hôn, nhưng tốt hơn hết là chấm dứt mọi thứ”.
Bị trói buộc bằng một cuộc hôn nhân sớm, bước vào cuộc sống gia đình không hòa hợp, hàng chục cô gái giống như Aatifa ở thành phố Hetar, thành phố miền tây vẫn còn khá bảo thủ của Afghanistan, đã chọn cách giải thoát tự thiêu đầy đau đớn.
Chỉ trong một năm qua, các bác sỹ ở khoa bỏng đã phải chứng kiến 83 vụ tự thiêu, mà gần 2/3 trong số đó dẫn đến tử vong.
Hiện tượng đau lòng này được xem là văn hóa du nhập từ nước láng giềngIran. Song chính hiềm khích giữa những gia đình nghèo, không được học hành, những gia đình cho con gái của họ đi lấy chồng khi còn là một cô bé mới là gốc rễ của vấn đề.
“Đôi khi chỉ vì một lý do rất nhỏ mà họ tự thiêu và hầu hết họ phàn nàn về gia đình chồng”, người đứng đầu phòng phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo tại khoa bỏng của bệnh viện thành phố Ghafar Khan Bawa cho hay. “Có sự tích tụ của tuyệt vọng, mệt mỏi, bạo lực gia đình và rồi người phụ nữ chỉ muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng đó. Cách để thể hiện sự giận dữ, cách để thể hiện sự tuyệt vọng của họ.”
Cảnh sát, trưởng tộc, giáo sỹ, tòa án đều có thể giải quyết những bất đồng trong gia đình, thường rất phổ biến trong những cộng đồng nghèo và ít được học hành của Afghanistan. Nhưng xét về khía cạnh văn hóa, người phụ nữ lại không được kêu ca, phàn nàn.
“Có khiếm khuyết trong hệ thống xã hội bởi người phụ nữ ở đây không thể phàn nàn. Nếu họ không được chấp nhận trước khi tự thiêu, thì họ sẽ được chấp nhận như thế nào khi đã trở nên xấu xí, biến dạng và tàn phế?” Bawa cho biết thêm.
Ngồi dựa trên chiếc gối tại nhà, nụ cười hiếm hoi của cô gái 18 tuổi Zarkhuma phần lớn bị kéo lại bởi tấm đỡ cổ, trong khi cơ thể chằng chịt sẹo do bị bỏng tới 65% được quấn trong lớp áo choàng đen và chăn đỏ.
4 tháng trước, khi bị cấm cửa không được gặp đứa con mới 10 tháng tuổi của mình, cô đã tự thiêu. Giờ đây cô cho biết cô hi vọng sẽ không ly dị bởi hành động gần giết chết chính mình của cô đã khiến hai bên gia đình thỏa hiệp.
“Chồng tôi không tàn nhẫn với tôi. Nhưng mẹ chồng và em chồng luôn luôn phàn nàn về công việc của tôi. Họ trở nên ghen tị”, cô nói.
“Mẹ chồng và em chồng muốn tôi nằm dưới sự kiểm soát của họ chứ không phải của chồng tôi. Nếu anh ấy đối xử tốt với tôi, tôi sẽ tiếp tục sống với anh ấy”.
Cha cô cho rằng cô không được báo vụ việc với các nhà chức trách mà để số phận của họ cho chúa trời phán định.
“Tôi để mọi người cho chúa trời phán quyết. Tôi chỉ muốn họ cầu nguyện cho con gái tôi, bởi họ cũng là những người nghèo. Tôi không muốn làm gì chống lại họ, bởi họ cũng nghèo”, người cha Khor Mohammad nói. “Tôi không nghĩ chính phủ có thể giúp chúng tôi.”
Suraya Pakzad, nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ ở thành phố Herat, cho biết kết hôn sớm và chiến tranh gia đình thường khiến người phụ nữ ở nhà bị stress trầm trọng. Rất nhiều phụ nữ trẻ phải đương đầu với vai trò được kỳ vọng rất lớn ở một người vợ.
“Có thể không phải tất cả họ đều quyết định chết, đó chỉ là cảnh báo cho gia đình phải dừng lại và họ không bao giờ nghĩ lửa có thể lan nhanh khắp người họ”, người đứng đầu của Tổ chức tiếng nói của phụ nữ ở Herat cho hay.
Tổ chức của cô điều hành hai trung tâm bảo trợ phụ nữ, mặc dù tất cả các trường hợp phải thông qua chính phủ. Cô cũng cho biết, một khi nhận ra có thể có những lựa chọn khác để thoát khỏi tình cảnh khốn khổ, các cô gái tuổi “teen” đã tự gây hại cho mình đều ước đã có thể làm khác đi.
“Bất kỳ khi nào chúng tôi gặp họ, nói chuyện với họ, họ đều nói rất lấy làm tiếc về những gì đã làm”, cô cho hay.
Phan Anh
Theo AFP