Tù nhân chính trị Miến Điện tuyệt thực để phản đối chính phủ
Các tổ chức nhân quyền cho hay hơn 20 tù nhân chính trị đang bị giam trong nhà tù khét tiếng Insein của nước này đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực từ tuần trước để phản đối việc nuôi ăn thiếu thốn cho tất cả tù nhân và đòi được hưởng các quyền cơ bản. Một nhóm tranh đấu của tù nhân cho hay một số người biểu tình đã bị biệt giam, theo như bài tường thuật từ Bangkok của thông tín viên VOA Ron Corben.
Hình: AP
Các tổ chức nhân quyền cho hay ít nhất 33 tù nhân chính trị tại nhà tù khét tiếng Insein ở gần Rangoon đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực vào tuần trước, khi một nhóm nữ tù nhân phản đối một lệnh ân xá của chính phủ giảm án tù một năm cho tất cả mọi người.
Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị, có trụ sở tại Thái Lan, còn được gọi tắt là AAPP, cho biết các yêu sách của người biểu tình gồm dinh dưỡng tốt hơn, quần áo tốt hơn, chấm dứt việc cách ly với các tù nhân khác và cho phép thân nhân được thăm nuôi.
Nhóm này nói rằng kể từ đó, giới hữu trách đã trấn áp người biểu tình bằng cách gửi một số không rõ bao nhiêu người vào các phòng biệt giam chỉ lớn bằng những cái chuồng chó.
Ông Bo Kyi là đồng thư ký của Hiệp hội Trợ giúp Tù nhân Chính trị Miến Điện có trụ sở ở Thái Lan.
Ông Kyi nói: “Theo chỗ chúng tôi được biết, một số trong những người này bị chuyển tới các chuồng chó. Chúng tôi không rõ chi tiết về cách đối xử. Một số người được báo chuẩn bị đồ đạc bởi vì họ có thể được chuyển sang các nhà tù khác.”
Ông Bo Kyi nói nhà chức trách hy vọng sẽ làm suy yếu cuộc phản kháng bằng cách tách rời nhóm người phản đối và chuyển họ tới các nhà tù khác. Ông nói gia đình các tù nhân thực sự lo lắng về phúc lợi của các tù nhân này.
Ông Kyi nói tiếp: “Một số gia đình tù nhân chính trị thực sự lo lắng cho những người biểu tình nhất là về cách thức họ bị đối xử, rất là tàn ác. Đó là điều mà họ lo lắng.”
Lệnh đặc xá tù nhân của tân chính phủ Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, giảm án tù một năm nhưng bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích là chưa đủ.
Các tổ chức nhân quyền nói chính phủ trả tự do cho khoảng 14.600 tù nhân chỉ còn phải thụ án chưa đầy 1 năm nữa. Nhưng chỉ có khoảng 55 người trong số đó được cho là tù nhân chính trị. Người ta tin rằng có hơn 2.000 tù nhân chính trị còn bị giam giữ ở Miến Điện.
Những người bị giữ gồm hơn 100 nhà sư Phật giáo và 300 thành viên của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ.
Nữ phát ngôn viên Debbie Stothard, thuộc một liên minh các tổ chức nhân quyền địa phương có tên là Mạng lưới Thay thế ASEAN, nói rằng cuộc tuyệt thực cho thấy tình hình nhân quyền ở Miến Điện chưa được cải thiện, bất kể việc lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được phóng thích và việc thành lập một chính phủ dân sự mới.
Bà Stothard nói tiếp: “Nó thực sự nhấn mạnh đến nhu cần cấp thiết phải phóng thích tất cả tù nhân chính trị ngay lập tức và vô điều kiện. Tình trạng giam giữ ở các nhà tù này thực sự ngày càng tệ hơn, chứ không phải khá hơn, và đây là một phần nguyên do vì sao các tù nhân tuyệt thực để phản đối. Rõ ràng là họ đã không chịu nổi nữa.”
Một thông cáo của tổ chức Vận động cho Miến Điện có trụ sở ở Hoa Kỳ mô tả các nhà tù ở Miến Điện là một ‘địa ngục trần gian’. Nhóm này lên án nhà chức trách là tạo ra các điều kiện để trừng trị thêm các tù nhân chính trị. Nhóm kêu gọi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế yêu cầu tân chính phủ của Thủ tướng Thein Sein phóng thích tất cả tù nhân chính trị như một bước hướng tới hòa giải dân tộc.
Theo VOA