Gần 200 người biểu tình đã chờ ông Tập ở Los Angeles hôm 16 và 17 tháng 2. Đó là cuộc biểu tình lớn nhất trong chuyến thăm 5 ngày của ông này tới Mỹ. Những người Tây Tạng hô khẩu hiệu phản đối các vi phạm nhân quyền của các quan chức Trung Quốc ở Tây Tạng, trong khi các học viên Pháp Luân Công tổ chức một cuộc thỉnh nguyện kéo dài 30 giờ liên tục ở gần khách sạn JW Marriot trên đại lộ Olympic nơi ông Tập đang ở.
Từ buổi chiều ngày 16/2 đến đêm ngày 17/2, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc thỉnh nguyện 30 giờ liên tục ở gần khách sạn JW Marriot tại Los Angeles, California. Các học viên lặng lẽ ngồi thiền ở bên hè phố hoặc đứng giương khẩu hiệu, yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp đã kéo dài 13 năm nhằm vào các đệ tử đồng môn ở Trung Quốc. (Debora Cheng/The Epoch Times)
TS. Jason Lu, một nhà khoa học tại trường Đại học California tại San Diego và cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã tham gia cuộc biểu tình ở Los Angeles hôm thứ 6. “Vào ban ngày, chúng tôi ngồi thiền và giương biểu ngữ. Chúng tôi muốn gửi ông Tập và những người của ông ta một thông điệp là hãy chấm dứt cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc,” ông nói.
Sinh viên bỏ buổi tiệc
Một nhóm “đón mừng” gồm các sinh viên Trung Quốc do Lãnh sự quán Trung Quốc dàn xếp cũng đến. Một số người trong số họ nhân cơ hội này để tìm hiểu về các học viên Pháp Luân Công.
Một tấm thẻ do Lãnh sự quán Trung Quốc cấp cho các sinh viên. Họ nói rằng họ được trả 200USD mỗi ngày để đón mừng ông Tập Cận Bình ở Los Angeles. Tấm thẻ viết: “Người Trung Quốc ở Los Angeles chào mừng Phó chủ tịch nhân chuyến thăm LA. (Tài trợ bởi) nhà tổ chức dạ tiệc.” (The Epoch Times)
Họ nói với The Epoch Times rằng họ được Lãnh sự quán Trung Quốc trả 200USD mỗi ngày, hay 600USD cho 3 ngày. Tấm thẻ “chào mừng” của họ cũng là phiếu dự tiệc miễn phí, họ nói.
Có vẻ như là Lãnh sự quán cũng cử một người đi kèm để theo dõi các sinh viên. Đó là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, tự xưng là “giáo viên của họ”, và cố gắng ngăn cản các sinh viên tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công. Nhưng không có sinh viên nào quan tâm cả, nói rằng họ không biết người này.
Một sinh viên, chia sẻ những suy nghĩ của mình về những sự kiện gần đây ở Trùng Khánh, nói rằng anh không muốn trở về Trung Quốc, bởi vì muốn làm gì ở nơi đó cũng có rủi ro rất lớn đi kèm.
“Nếu bạn làm kinh doanh, bạn có thể bị lừa. Nếu bạn làm chính trị, nó còn nguy hiểm hơn, bởi vì bạn có thể bị giết, như Wen Qiang [cựu giám đốc Sở Tư pháp Trùng Khánh] bị Wang Lijun [cựu phó thị trưởng gần đây chạy vào Lãnh sự quán Mỹ] giết. Hoặc là bạn có thể bị thất sủng sau khi bị lợi dụng xong, cũng như những gì đã xảy ra với Wang Lijun,” người sinh viên nói.
Tấm biểu ngữ vàng nói “Pháp Luân Đại Pháp là Tốt.” (The Epoch Times)
Không phải tất cả mọi người cầm cờ đỏ đều đồng cảm như vậy nhưng kết quả tổng thể của cuộc biểu tình là rất tốt, TS. Lu nói, và họ thậm chí còn có thể giải thích về sự thật của cuộc đàn áp cho cảnh sát.
“Ban đầu, một số người Trung Quốc cầm cờ đỏ cố tình đứng trước mặt chúng tôi và dùng những lá cờ của họ để che các biểu ngữ của chúng tôi, nhưng cảnh sát đã bắt họ đứng trong một khu của họ,” ông nói.
Chạm trán
Các quan chức Trung Quốc khi đi ra nước ngoài thường phải rất cố gắng để tránh bị quay phim chụp ảnh khi đi ngang qua các nhóm người biểu tình giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu. Họ nổi tiếng là hay lẻn vào các phòng họp qua cửa sau, thay đổi lộ trình vào phút chót, hoặc trốn trong các phòng chờ ở sân bay hàng giờ đồng hồ.
Ngày cuối cùng của ông Tập ở Los Angeles bao gồm một trận bóng rổ NBA ở Trung tâm Staple hôm 17/2. Khoảng 15 phút trước khi trận đấu kết thúc, ông Tập và các vệ sĩ đã rời sân đấu. Các học viên Pháp Luân Công đang chờ ông này ở bãi đỗ xe với một tấm biểu ngữ lớn mang dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp”, một tên khác của môn tập luyện tinh thần này.
“Trung tâm Staple chỉ cách khách sạn JW Marriot hai khối nhà. Chúng tôi ở đó cho đến 10 giờ tối khi ông Tập ra sân bay Los Angeles,” TS. Lu nói.
Khoảng cách giữa chiếc xe màu đen của ông Tập và các học viên Pháp Luân Công chỉ vào khoảng hơn 3m, nên họ bắt đầu hô bằng tiếng Trung: “Pháp Luân Đại Pháp là Tốt! Hãy chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công! Hãy đưa các thủ phạm Giang Trạch Dân, La Cán, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai ra công lý!”
Sau khi đoàn xe của ông Tập di chuyển khoảng chục mét, nó đột nhiên dừng lại khoảng 3 phút, không rõ tại sao, trong khi các học viên Pháp Luân Công tiếp tục hô, “Pháp Luân Đại Pháp là Tốt, hãy chấm dứt đàn áp!”
Một người Hoa đứng nhìn, nói: “Toàn bộ Trung tâm Staple có thể nghe thấy tiếng hô của Pháp Luân Công! Họ thực sự có năng lượng lớn mạnh! Mấy hôm nay, họ thường xuyên biểu tình bằng cách lặng lẽ ngồi thiền và trưng biểu ngữ. Không ai tưởng tưởng được rằng tiếng nói của họ lại kinh thiên động địa như vậy! Tôi tự hỏi ông Tập Cận Bình đang nghĩ gì ở trong xe trong 3 phút đó.
Hôm 13/2, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp FDIC có trụ sở ở New York đã công bố một danh sách gồm 10 sự thực chính về Trung Quốc khi ông Tập đến thăm Mỹ, và hối thúc các quan chức Hoa Kỳ không im lặng trước những gì mà các nghị sĩ quốc hội gọi là “một trong những cuộc đàn áp tàn bạo và bất công nhất trong thời đại của chúng ta.”
Công bố của FDIC có đoạn viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dấn thân vào một chiến dịch có hệ thống và đang tiếp diễn nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công thông qua tuyên truyền, bỏ tù, tra tấn, và cưỡng bức. Từ 20/7/1999, hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã thường xuyên chịu rủi ro bị bắt giam, tra tấn và giết chết chỉ bởi vì tín ngưỡng tôn giáo của mình. Ngày nay, sự vô pháp và tàn bạo của Đảng trong việc đối xử với các công dân tập Pháp Luân Công vẫn gây choáng váng. Việc bắt cóc, giam giữ trong các trại tập trung, tra tấn tàn bạo, cưỡng hiếp, và tra tấn thần kinh, và giết chết ngoài vòng pháp luật trên quy mô lớn đối với các học viên Pháp Luân Công vẫn là chuyện xảy ra thường ngày.”
Công bố cũng có đoạn, “Các học viên Pháp Luân Công là nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất trên thế giới, với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tại bất cứ thời điểm nào,” và “trung bình khoảng 3 ngày lại có một trường hợp mới được đưa tin trong đó học viên Pháp Luân Công chết vì bị tra tấn và lạm dụng”.
“Vào năm 2009, Tập Cận Bình được giao phụ trách một nỗ lực gọi là “dự án 6521″ để đàn áp Pháp Luân Công, người Tây Tạng và các nhà hoạt động dân chủ trong một năm có nhiều đợt kỷ niệm nhạy cảm về chính trị.”
Các học viên Pháp Luân Công đã đệ trình hơn 100 vụ kiện tại các nước khác nhau đối với một số quan chức cao cấp của Trung Quốc, bao gồm Bạc Hy Lai, vì sự tham gia của họ trong cuộc đàn áp này.
(theo theepochtimes)