Hơn 3.000 trẻ em ở phía bắc Uganda mắc phải chứng động kinh kỳ lạ, khiến hàng trăm em tử vong. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định.Gia đình nào cũng có trẻ mắc bệnh
Patrick Anywar, 14 tuổi, oằn mình trong đám đất bụi và cái nóng oi bức giữa trưa, cố nghển cổ dõi theo hai đứa em đang chơi ở sân trước nhà. Tuy nhiên, chỉ 1 phút sau, đầu em bỗng gục xuống ngực và cơ thể gầy gò của em lại bắt đầu giật lên từng hồi.
Anywar bị căn bệnh động kinh hành hạ tới mức thảm thương
Anywar chỉ là 1 trong hơn 3.000 trẻ em ở phía bắc Uganda mắc phải hội chứng giật đầu, điển hình là khu làng Tumangu. Gần như toàn bộ các gia đình trong làng đều có con cái mắc hội chứng này.
Đã vài năm kể từ khi căn bệnh được phát hiện, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Chỉ biết rằng trẻ nhỏ là đối tượng duy nhất mắc bệnh, cơ thể dần bị hủy hoại bởi các cơn động kinh suy nhược khiến các em rơi vào tình trạng còi xương, teo cơ chân tay, tâm thần và đôi khi chết đói.
Tính tới thời điểm này, căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hàng trăm trẻ nhỏ.
Anywar là thành viên thứ 2 trong gia đình mắc bệnh. Mẹ của cậu bé chẳng biết làm gì khác ngoài việc ngồi chờ tử thần đến mang em đi.
“Trước khi đổ bệnh, thằng bé đi lại và chạy nhảy hoạt bát lắm, nhưng giờ lúc nào cũng phải có người ở nhà trông nom nó. Căn bệnh này thật quái ác, thằng bé không thể tự xúc nổi cơm hay cầm cốc uống nước”- Mẹ Anywar cho biết.
Theo ông Joe Otto, một tình nguyện viên y tế ở khu vực này, trong làng có khoảng 780 người thì có tới 97 trường hợp mắc bệnh. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một trường hợp mắc phải.
Chết là sự giải thoát
Mỗi khi bưu kiện thuốc được chuyển đến các trung tâm y tế địa phương cách ngôi làng vài cây số, ông Otto lại lóc cóc đạp xe đi lấy về chia cho các gia đình, tuy nhiên, đây chỉ là thuốc điều trị các chứng động kinh thông thường để hỗ trợ tạm thời.
5 trong số 12 người con của ông Martin OChen, một người dân trong làng Tumangu mắc phải căn bệnh này.
Căn bệnh hoành hành đến nỗi người dân trong làng đã bắt đầu chuyển từ sợ hãi sang vô vọng và mặc nhiên chấp nhận vì đó là số trời.
“Người ta cho rằng cái chết là sự giải thoát cho lũ trẻ, bởi cuối cùng, chúng cũng được giải phóng khỏi sự đau đớn”, ông Otto cho biết thêm.
Càng điều tra, càng bế tắc
Từ năm 2010 đến nay, các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực khác nhau như dịch tễ học, môi trường học, thần kinh học, các chuyên gia nghiên cứu chất độc và điều trị bệnh tâm thần đã được huy động để tiến hành một loạt các xét nghiệm, kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết quả.
Một cậu bé chờ bên ngoài trung tâm y tế Pajimu ở Uganda để lấy thuốc điều trị động kinh.
Chiến dịch điều tra tập trung vào mối liên hệ giữa căn bệnh và hoàn cảnh sống trong khu vực như ký sinh trùng, tình trạng suy dinh dưỡng hay hậu quả của cuộc nội chiến đã tàn phá miền bắc Uganda trong nhiều thập kỷ.
Càng điều tra lại càng thấy bế tắc. Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định liệu chứng bệnh này có tương tự như căn bệnh hoành hành tại hai nước láng giềng South Sudan và Tanzania những năm 1980 hay không.
Tháng trước, sau áp lực từ giới lập pháp, Bộ y tế Uganda mới quyết định triển khai kế hoạch khẩn cấp để xác định nguyên nhân và kiểm soát dịch bệnh.
Các bác sĩ hiện giờ chỉ có thể tìm mọi cách giảm nhẹ triệu chứng để kéo dài thời gian.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp như cậu bé Anywar, mọi nỗ lực chữa trị đều là quá muộn.
Thu Thương (AFP)
(theo bee)
>>Căn bệnh bí ẩn giết chết hàng chục nghìn người Trung Mỹ
>>Quảng Ngãi: bệnh lạ xuất hiện gây hoang mang