– Dù sống ở Campuchia hay Scotland, Lithuania hay Hoa Kỳ, bất kỳ ai cũng đã từng nghe nói đến Rồng. Tuy nhiên, Rồng trong văn hóa phương Đông dường như lại khác hoàn toàn với con rồng phương Tây, từ hình ảnh, hành vi, biểu tượng cho đến ý nghĩa xã hội.
Người phương Đông đặc biệt tôn trọng và thành kính trước hình ảnh Rồng với vẻ đẹp hùng mạnh và ý nghĩa thần diệu. Trong khi đó, ở phương Tây, Rồng được xem như một loại quái vật “hữu dũng vô mưu”.
Người phương Đông đặc biệt tôn trọng và thành kính trước hình ảnh Rồng với vẻ đẹp hùng mạnh và ý nghĩa thần diệu. |
Dù là hình ảnh đẹp được sử dụng trong các nghi lễ trang trọng ở phương Đông hay mang ý nghĩa biểu trưng của một loại quái vật phương Tây, thì hình ảnh con Rồng trong cả hai nền văn hóa đều là loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường và được làm nên từ nhiều bộ phận của nhiều loài vật khác nhau.
Trong văn hóa một số dân tộc ở châu Âu, Rồng thường được miêu tả như một loài bò sát có vảy, đuôi dài, thường có ba đầu thổi ra lửa và biết bay. Các đầu này có khả năng tự mọc ra nếu bị chặt mất đầu cũ. Tuy nhiên, cũng có một số rồng chỉ có một đầu.
Một phần bức Tường chín rồng ở Công viên Bắc Hải, Bắc Kinh, Trung Quốc |
Đối với phương Tây, Rồng là một loài quái vật, tượng trưng cho sức mạnh nhưng nghiêng về khía cạnh độc ác, hung dữ. Rồng thường được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu, lâu đài hay người đẹp, song thường tỏ ra là loài “hữu dũng vô mưu” vì thường chịu thua và thiệt mạng dưới tay của một tráng sĩ. Tại một số nước châu Á, Rồng được coi là con vật linh thiêng, có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay.
Con Rồng phương Đông được xem như biểu tượng của cái đẹp và chủ nghĩa anh hùng, đóng vai trò như người bảo vệ cái thiện. Ở một số nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, thậm chí còn có cả năm con Rồng và những người sinh vào năm này được tin sẽ là những người hùng mạnh, giàu có, thông minh, mang tất cả những giá trị mà con Rồng phương Đông đại diện.
Năm Rồng cũng được cho là năm phát triển thịnh vượng của các nước này. Văn hóa Trung Hoa đặc biệt coi trọng hình ảnh Rồng, do đó mà có nhiều truyền thuyết về Rồng và sự thịnh vượng nó đem lại cho con người. Chẳng hạn như câu chuyện về viên ngọc Rồng mà một cậu bé nghèo đã tìm được có thể nhân mọi thứ lên gấp bội khi nó chạm vào. Cậu bé đã đưa viên ngọc chạm vào lúa gạo để có thóc lúa đầy nhà, giúp đỡ cho những người dân nghèo khác. Nhưng khi một tên cướp muốn đến lấy trộm viên ngọc đó, cậu bé đã nhanh trí nuốt viên ngọc vào bụng và cậu được hóa thành một con rồng.
Bức tượng rồng Ljubljana ở Slovenia |
Trong khi ở phương Đông, chuyện hóa rồng mang ý nghĩa huyền thoại đẹp thì người phương Tây lại kể câu chuyện về sự trừng phạt đã biến một người thành rồng. Trong câu chuyện này, một hoàng tử đã giết cha để đoạt lấy vương miện và của cải. Vị vua khi qua đời đã giáng một lời nguyền biến người con này thành rồng. Sau này con rồng đó lại bị giết bởi một người anh em hám danh lợi khác và người này lại tiếp tục hứng chịu lời nguyền trở thành một con rồng…
Không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng khác nhau mà Rồng trong văn hóa Đông – Tây cũng khác nhau cả về môi trường sống. Rồng phương Đông chủ yếu sống ở môi trường có nước, chẳng hạn như hồ lớn hay đại dương. Trong khi đó Rồng phương Tây lại sống ở những nơi hoang mạc hay thậm chí là trong lửa. Trong các truyền thuyết phương Tây, Rồng có thể thổi ra lửa và thường là con vật mà bất cứ người anh hùng nào cũng phải chiến đấu để diệt trừ. Những con rồng này thường có cánh và móng vuốt sắc nhọn, cố giết những ai đến gần nó bằng cách phun lửa.
Có lẽ lý do mà Rồng trong mỗi nền văn hóa lại khác nhau như vậy là bởi con người chưa bao giờ thực sự nhìn thấy Rồng, mà chỉ tưởng tượng ra hoặc được nghe trong những truyền thuyết mô tả loài vật này. Do vậy, khi nói về Rồng nhất định phải dựa trên hệ quy chiếu của một nền văn hóa nhất định.
Khuê Đức