Tinh Hoa

9 nhân vật quyền lực ngành công nghiệp ôtô tuổi Thìn

9 nhân vật nổi tiếng của ngành công nghiệp ô tô sinh năm Thìn có Sergio Marchinonne, người vừa được bình chọn là nhân vật quyền lực nhất ngành công nghiệp ôtô thế giới năm 2012.

Đây là lựa chọn của tạp chí Ôtô Xe Máy Việt Nam.


1. Nikolaus August Otto (sinh ngày 10/6/1832, Nhâm Thìn)
  

 
Là con một nông dân, sinh ra trong một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Rhine nước Đức, Otto tỏ ra rất xuất sắc về kỹ thuật khi còn học ở trường.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng Đức năm 1848 và nền kinh tế suy thoái, ông được định hướng trở thành một thương gia. Khi bôn ba với nghiệp kinh doanh, Otto biết đến động cơ chạy xăng kiểu mới do Etienne Lenoir phát minh và tìm cách cải thiện động cơ này.

Một thiết kế xe hơi của Nikolaus August Otto 

Năm 1864, Otto cùng với kỹ sư Eugen Langen thành lập nhà máy chế tạo động cơ đầu tiên trên thế giới, NA Otto & Cie (giờ đây đổi tên là DEUTZ AG).

Ban đầu, động cơ do Otto và Langen sản xuất có 3 pít-tông, sử dụng phản ứng nổ của hỗn hợp khí để tạo ra chân không, tiết kiệm nhiên liệu gấp đôi động cơ của Lenoir. Công ty của 2 người thành lập năm 1872, do không góp tiền vốn nên Otto phải chấp nhận ký hợp đồng lao động dài hạn với công ty. Otto sau đó chuyển sự chú ý sang chu trình 4 kỳ và năm 1878, ông công bố phát minh mới làm biến đổi hoàn toàn động cơ đốt trong. Đó chính là chu trình nổi tiếng đến nay vẫn mang tên ông.
 
2. Karl Friedrich Benz (25/11/1844 – Giáp Thìn)

 
Được xem là ông tổ phát minh ra ôtô chạy bằng động cơ đốt trong, Karl Benz cùng vợ là Bertha Benz đã sáng lập ra hãng sản xuất ôtô danh tiếng Mercedes-Benz. Cùng thời gian đó, 2 kỹ sư khác của Đức, Gottlieb Daimler và Wilhelm Mayback, cũng cộng tác để đưa ra những phát minh tương tự về ôtô. Tuy nhiên, các phát minh của Karl Benz lại được cấp bằng sáng chế trước vào năm 1886.
 

Chiếc Benz 1885 

Năm 1883, ông thành lập công ty sản xuất máy công nghiệp có tên là Benz & Cie. Năm 1885, chiếc xe 3 bánh chạy bằng động cơ 4 thì của Karl Benz hoàn tất, ông đặt tên nó là Benz Patent Motorwagen.

Ông bắt đầu bán Motorwagen vào cuối mùa hè năm 1888, và đây là mẫu ôtô thương mại đầu tiên trong lịch sử. Năm 1926, là Benz & Cie và DMG (của Daimler) sát nhập tạo thành tập đoàn Daimler AG ngày nay.
 
3. August Horch (12/10/1868 – Mậu Thìn) 

 
Năm 1896, Augurt Horch tới làm việc cho Karl Benz trong 3 năm để nắm bắt những kiến thức ông cần. Năm 1899, Horch thành lập công ty lấy tên là August Horch & Cie.

Chiếc xe quý hiếm Horch 853 Sport Cabriolet 

Đến năm 1901, Horch cho xuất xưởng chiếc ôtô đầu tiên mà ông đã nhiều lần kiến nghị nhưng đều bị Benz từ chối. Chiếc xe này có đĩa ly hợp ma sát và truyền động bằng trục vào bánh sau – công nghệ chưa từng xuất hiện trên chiếc ôtô nào vào thời điểm đó.

Trong buổi lễ ra mắt, Horch cam kết: “Dù trong bất kỳ tình huống nào, tôi quyết tâm chỉ sản xuất loại ôtô có động cơ khỏe và chất lượng cao”. Câu nói này của Horch đã đi cùng ông suốt cuộc đời và trở thành uy tín của thương hiệu Audi.

Tháng 7/1909, do bất đồng, Horch rời August Horch & Cie và thành lập một công ty mới ở Zwickau. Trong lúc ông loay hoay tìm cái tên thích hợp để vừa giữ chân khách hàng cũ nhưng không bị trùng lặp, cậu con trai Franz của Horch lúc đó đang làm bài tập tiếng La-tinh liền đề nghị bố sử dụng chữ “Audi”, cũng có nghĩa là lắng nghe như “Horch” trong tiếng Đức.

Và thế là công ty mới được lấy tên là “Audi Automobile Werker GmH” với biểu tượng 4 vòng tròn lồng vào nhau thể hiện sự gắn bó liên hoàn cũ mới, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
4. Franco Scaglione (26/9/1916Bính Thìn)

 
Đầu năm 1948, rời quân ngũ, Franco Scaglione trở về Bologna (Ý) tìm việc làm, ấp ủ ý tưởng trở thành một chuyên gia thiết kế ôtô. Ban đầu, ông dành thời gian vẽ mẫu cho các công ty thời trang.

Tháng 4/1951, ông chuyển đến Turin, nơi có các công ty chế tác thân xe lớn, và tiếp xúc với Battista “Pinin” Farina, được đánh giá rất cao nhưng cả 2 không thể hợp tác với nhau.

Cho đến khi Scaglione gặp Nuccio Bertone và nhờ đó giúp ông tạo ra những chiếc xe nổi tiếng như Alfa Romeo B.A.T, Giulietta Sprint và Sprint Speciale.
 

Alfa Romeo 33 Stradale huyền thoại 

Năm 1959, Scaglione rời Bertone để tự kinh doanh. Vụ làm ăn đầu tiên là với Carlo Abarth và Porsche: thiết kế chiếc Porsche 356 B Abarth Carrera GTL, mẫu xe tiền thân của dòng 911.

Sau đó Scaglione vẽ nên Lamborghini 350 GTV, ATS 2500 GT, và chiếc 1900 Skyline Sprint cho Titania Veltro GTT, một công ty của Hoàng tử Nhật Bản. Năm 1967, ông thiết kế cho Alfa Romeo chiếc 33 Stradale huyền thoại, sau này được Top Gear xếp thứ 15 trong danh sách 100 xe gợi cảm nhất mọi thời đại.
 
5. Anthony Colin Bruce Chapman (19/5/1928 – Mậu Thìn)

 
Năm 1948, Colin Chapman gia nhập Không quân Hoàng gia Anh sau khi không tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư kết cấu tại University College London, tấm bằng mà tới năm 1950 ông mới có được sau khi thi lại. Tiếp đó, Chapman làm việc cho công ty British Aluminium và kinh doanh vật liệu nhôm cho các công trình xây dựng.

Xe đua F1 Lotus 

Năm 1952, ông thành lập công ty chế tạo xe thể thao Lotus Cars. Chapman nổi tiếng với câu nói: “Tăng công suất sẽ làm xe nhanh hơn trên đường thẳng, song giảm trọng lượng giúp nó nhanh hơn ở mọi nơi”, triết lí giúp định hình nên những chiếc xe trọng lượng nhẹ, cảm giác lái thú vị của Lotus.

Dưới sự điều hành của Chapman, đội đua F1 Lotus đã giành 7 chức vô địch đồng đội, 6 cho tay đua, cùng các danh hiệu vô địch Indianapolis 500 tại Mỹ trong giai đoạn 1962-1978.

Ngày nay, nhiều ý tưởng của Chapman vẫn được sử dụng trong các giải đua xe hàng đầu. Ông là người đi tiên phong sử dụng thanh giằng cho hệ thống treo sau. Phát minh lớn tiếp theo của ông là sử dụng chassis liền khối (monocoque). Chapman mất năm 1982 ở tuổi 54 sau một cơn đau tim.
 

6. Josef Herbert Ernst Fiala (2/9/1928 – Mậu Thìn)
 
Sinh tại Vienna, Ernst Fiala bắt đầu sự nghiệp với cương vị kỹ sư nghiên cứu phát triển của Daimler-Benz, và cuối cùng là giữ chức giám đốc bộ phận nghiên cứu thân xe.

Ernst Fiala (ngoài cùng bên phải)  

Tháng 2/1973, Fiala tham gia Hội đồng quản trị Volkswagen. Trong thời kỳ này, chiếc VW Golf được tung ra thị trường năm 1974, thay thế Beetle và trở thành một trong những mẫu xe thành công nhất thế giới.

Cùng với sự phát triển của Golf, các dự án xe khác và chương trình xe SUV của VW, Fiala còn góp phần vào việc phát triển bộ chuyển đổi xúc tác ba chiều, giảm hệ số cản khí động học, phát triển động cơ diesel cho xe cỡ trung.

Ở tuổi 60, Fiala từ chức thành viên hội đồng quản trị để có thể cống hiến nhiều hơn cho khoa học và viết sách. Ông vẫn làm cố vấn cho VW và là giáo sư danh dự tại Đại học Vienna, nơi ông giảng một khóa học về các mối tương quan giữa con người và ôtô.
 
7. Sergio Marchionne (17/6/1952 – Nhâm Thìn)

Không phải vô cớ mà Sergio Marchionne được tạp chí Motor Trend bầu chọn là người có quyền lực nhất ngành ôtô 2012. Marchionne hiện là CEO của Fiat SpA, Chủ tịch và CEO của Chrysler Group LLC, Chủ tịch tập đoàn Fiat Industrial SpA.

Ông đang là Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp. Ngoài ra ông còn Chủ tịch công ty giám định nổi tiếng SGS, thành viên Ban Giám đốc tập đoàn thuốc lá Philip Morris, từng là thành viên Ban Giám đốc ngân hàng UBS (đã nghỉ năm 2010).

Sergio Marchionne – CEO của Fiat SpA, Chủ tịch và CEO của Chrysler Group LLC, Chủ tịch tập đoàn Fiat Industrial SpA  

 
Marchionne có công vực dậy hãng Fiat đang làm ăn thua lỗ sinh lời trở lại trong chưa đầy 2 năm, kể từ khi nắm quyền điều hành năm 2004. Hiện Fiat là một trong những nhà sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Năm 2009, ông thúc đẩy việc hình thành liên minh với Chrysler và hiện nay Fiat đã nắm cổ phần đa số ở hãng xe Mỹ. Nhờ Fiat, chưa đến 2 năm sau khi nộp đơn phá sản, Chrysler đã thông báo có lãi vào đầu năm 2011, bắt đầu thanh toán các khoản vay từ Chính phủ Mỹ. Hiện nay, Fiat-Chrysler là tập đoàn xe hơi lớn thứ 6 thế giới.

Marchionne đang tiếp tục thành công khi giúp Fiat và Chrysler bổ sung các điểm mạnh cho nhau, tạo ra những sản phẩm thế mạnh chinh phục cả châu Âu và châu Mỹ.
 
8. Adrian van Hooydonk (21/6/1964 – Giáp Thìn)
 
Tốt nghiệp Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) năm 1988, van Hooydonk bắt đầu sự nghiệp trên cương vị một nhà thiết kế tự do. Một năm sau, ông trở thành kỹ sư thiết kế sản phẩm cho GE Plastic Europe, sau đó quay lại nghiên cứu về thiết kế ôtô tại Trung tâm Nghệ thuật châu Âu ở Vevey, Thụy Sĩ.

Andrian van Hooydonk 

Năm 1992, ông gia nhập BMW. Năm 2000, van Hooydonk được bổ nhiệm đứng đầu phòng thiết kế ngoại thất ôtô tại trung tâm thiết kế công nghiệp Designworkscủa BMW ở Mỹ, rồi trở thành Tổng giám đốc Designworks năm 2001.

Trên cương vị này trong giai đoạn 2001-2004, ông đã lãnh đạo nhóm thiết kế tạo ra những mẫu xe tuyệt đẹp như nguyên mẫu Z9 Gran Turismo cửa cắt kéo, BMW 6-Series E63/E64 và 7-Series E65. Trong thiết kế chiếc Z9 GT, van Hooydonk đã đưa ra ý tưởng thiết kế điêu khắc, mà suốt hơn một thập kỷ chi phối phong cách thiết kế của BMW.

Năm 2005 ông được bổ nhiệm đứng đầu Brand Design Studio, nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Thiết kế tập đoàn BMW, Chris Bangle. Năm 2009, van Hooydonk thay thế Bangle để giám sát các công việc thiết kế của BMW, Mini và Rolls-Royce.
 
9.  Stephan Winkelmann (18/10/1964 – Giáp Thìn)
 

Stephan Winkelmann – Chủ tịch kiêm CEO của Automobili Lamborghini SpA  

Stephan Winkelmann sinh tại Berlin song lại lớn lên ở Rome, Ý. Ông nghiên cứu khoa học chính trị tại Rome, lấy bằng tại Munich, và trải qua 2 năm phục vụ trong lực lượng lính dù Đức.

 Năm 1991, Winkelmann bắt đầu sự nghiệp của mình tại tổ chức tài chính Đức MLP. Trong những năm tiếp theo, ông quan tâm tới ngành công nghiệp ôtô, đầu tiên làm việc cho Mercedes-Benz và sau đó là cho Fiat Auto từ năm 1994 đến năm 2004 trong bộ phận tiếp thị và bán hàng, cả ở Italia và nước ngoài.

Sau đó ông được bổ nhiệm làm CEO Fiat ở Áo, Thụy Sĩ và cuối cùng là CEO của Fiat ở Đức. Tại đây, ông chịu trách nhiệm về các thương hiệu Fiat, Alfa Romeo, và Lancia.

Năm 2005, sau 11 năm phục vụ cho Fiat, Winkelmann chuyển tới Sant’Agata Bolognese, Ý, làm Chủ tịch kiêm CEO của Automobili Lamborghini SpA. Nhờ những đóng góp đem đến sự hồi sinh mạnh mẽ cho thương hiệu siêu xe biểu tượng chú bò tót, năm 2009, Winkelmann đã được Chính phủ Ý trao danh hiệu cao quí “Grand Officer in the Order of Merit of The Italian Republic”.
 

Duy Tâm / otoxemay.vn