Tinh Hoa

Kẻ canh giữ sự bất tử

Kho báu rồng canh giữ chẳng có gì khác hơn là sự bất tử.

Rồng hiện ra với chúng ta chủ yếu như một người canh giữ nghiêm khắc hay như một biểu tượng của cái ác và những xu hướng quỷ dữ. Nó quả là người canh giữ các kho báu giấu kín, và với tư cách đó là đối thủ phải đánh bại thì mới vào được kho. Ở phương Tây, nó là kẻ canh giữ Bộ Lông Cừu Vàng và Khu vườn của các nàng Hesperides; ở Trung Quốc, trong một truyện kể đời nhà Đường, nó là kẻ canh giữ Viên Ngọc; truyền thuyết về Siegried xác định kho báu do rồng canh giữ chẳng có gì khác hơn sự bất tử.

Trong thực tế, con rồng được coi là biểu tượng quỷ dữ đồng nhất với rắn: Origène (nhà thần học, Giáo sư ở Alexandriae và ở Césarée xứ Palestine) xác nhận sự đồng nhất đó nhân nói về Thánh Vịnh 74. Các đầu rồng bị đập vỡ, các con rắn bị tiêu diệt, là chiến thắng của Chúa  Kito chống lại cái Ác. Ngoài tranh hình rất nổi tiếng về thánh Michel hay thánh Georges, chính Đức Kitô đôi lúc cũng được biểu hiện châm dẫm xéo xác con rồng. Vị giáo trưởng thiền Houei – nêng (Huệ Năng) cũng coi rồng và rắn là những biểu tượng của hận thù và cái ác. Nhân vật kinh khủng Fudô (acala) Nhật Bản, khuất phục một con rồng chính là đã thắng sự ngu dốt, tối tăm.

Rồng canh giữ những quả táo vàng của các nàng Hesperides

Nhưng các phương diện tiêu cực không phải là những phương diện duy nhất, cũng không phải là quan trọng nhất, là biểu tượng của bản nguyên tích cực và sáng tạo: sức mạnh thần thành; nhiệt huyết tinh thần như Grousset nói; dầu sao đi nữa, là biểu tượng thần thánh, là sức mạnh của sự sống và sự hiển lộ, nó khạc ra các nguồn nước khởi nguyên và Quả Trứng thế giới, khiến nó trở thành một hình ảnh của Chúa sáng thế. Nó là làn mây trải ra trên đầu chúng ta và sẽ tuôn xuống như những làn sóng nước đem lại màu mỡ của nó. Nó là bản nguyên K’ien (càn), nguồn gốc của Trời và làm ra mưa, có sáu vạch là sáu con rồng thắng vào cỗ xe; Kinh Dịch còn nói rằng máu nó màu đỏ và vàng, là những màu nguyên thủy của Trời và Đất. Sáu vạch của quẻ Càn theo truyền thống là thể hiện sáu giai đoạn của sự hiển lộ, từ con rồng náu mình, tiềm ẩn, không hiển lộ, không hành động, đến con rồng bay lượn, quay trở về với bản gnuyên, sau khi đã đi qua các giai đoạn con rồng ở trên những cánh đồng, hữu hình, vọt lên và bay.

Theo học thuyết Hindu, rồng tự đồng nhất với Bản Nguyên hay với Agni hhay với Prajapâti. Người Giết Rồng là thầy hiến sinh làm nguội  sức mạnh thần thánh và đồng nhất mình vào đó; rồng sản sinh ra rượu soma, là thức uống bất tử; nó rượu soma của lễ cúng hiến sinh. Trang Tử dạy rằng sức mạnh của rồng là điều bí ẩn: nó là sự giải quyết các mâu thuẫn; cho nên, theo ngài, Khổng Tử đã thấy  Trang Tử chính là hiện thân của rồng. Vả lại, nếu rồng – soma sản sinh ra sự bất tử, thì con rồng Trung Hoa cũng đưa đến sự bất tử ấy: các con rồng Trung Hoa là những con vật cưỡi của các thần tiên bất tử; chúng đưa các vị bay lên Trời; Hoang – ti (Hoàng Đế), người  đã dùng rồng để thắng các khuynh hướng xấu xa, đã cưỡi lên lưng một con rồng mà bay về Trời. Nhưng chính ngài cũng là rồng, cũng giống như Phục Hy, vị hoàng đế đầu tiên, người đã nhận được Ho-t’ou (Hà đồ) từ một long – mã; chính nhờ có rồng mà Đại Vũ đã có thể tạo nene thế giới bằng cách tiêu nước thừa did: con rồng được đưa từ Trời xuống, đã mở đường cho ngài (Khai đạo).

Là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, xếp đặt, rồng đương nhiên là biểu tượng của đế vương. Đáng chú ý là ý nghĩa biểu tượng này không chỉ được sử dụng ở Trung Quốc mà cả ở người Celtes, và một văn bản Do Thái cổ đã nói về Con Rồng thần thánh như một vị vua trên ngôi báu của mình. Thật vậy, rồng được gắn với sét (nó khạc ra lửa) và với sự phì nhiêu (nó mang mưa đến). Như vậy, nó tượng trưng cho các chức năng của vua chúa và các nhịp điệu của cuộc sống, những chức năng và nhịp điệu đảm bảo trật tự và phồn vinh. Vì vậy nó trở thành phù hiệu của cá hoàng đế. Cũng như việc treo chân dung hoàng đế, khi có hạn hán, người ta dựng lên hình con rồng Yin (âm) và thế là trời bắt đầu mưa (GRAD, 1, 361). Rồng là thể hiện quyền lực tối cao của hoàng đế Trung Hoa:  mặt rồng có nghĩa là mặt của hoàng đế; dáng đi của rồng oai vệ như dáng vẻ của chủ tướng; viên ngọc rồng, mà người ta bảo là nó ngậm trong họng, là vẻ rực rỡ không thể chối cãi trong lời nói của chủ tướng, sự hoàn thiện trong tư tưởng và cách mệnh lệnh của Người. Mao Trạch Đông tuyên bố: Không có chuyện bàn cãi về viên ngọc rồng.

Nếu ý nghĩa biểu tượng ở dưới nước của rồng rõ ràng là chủ yếu, nếu rồng sống dưới nước, sinh ra các con suối, nếu Vua – Rồng là một vị vua của các nâga (nhưng ở đây nữa, nó lại đồng nhất với rắn), thì rồng lại được gắn liền nhiều nhất với  việc sinh ra mưa và sấm là biểu hiện hoạt động của trời. Làm công việc kết hợp nước với đất,  nó lfa biểu tượng của cơn mưa thần thánh làm tươi nhuần đất đai. Các điệu múa rồng, việc trưng bày các con rồng có màu sắc thích hợp cho phép cầu được mưa, là phép lành của trời. Do đó rồng là dấu hiệu điềm lành, rồng hiện lên là tôn phong những triều đại hạnh phúc. Có lúc, từ chiếc mõm há rộng của nó tuôn ra những chiếc lá: đấy là biểu tượng của sự nảy mầm. Theo một phong tục Indonesia, ngày đầu năm, một đoàn người trẻ tuổi đội lốt rồng bằng giấy nhảy múa trên đường, trong khi những người dân phố dồn ở các cửa sổ dâng lên rồng những mớ rau cải xanh mà nó nhai ngốn trong niềm vui lớn của mọi người. Bộ phận người Indonesia ở Hà Lan vẫn duy trì nghi lễ này hàng năm trên các đường phố Amsterdam.

Sấm không thể tách rời khỏi mưa, mối liên hệ của nó với rồng gắn với khai niệm về bản thể tích cực, sáng tạo;  Hoàng Đế rồng cũng là thần sấm; ở Campuchia, con rồng nước sở hữu một viên ngọc phát ra ánh chói – và ánh chớp – gây mưa

Sấm ra, tức là Dương lên, là triều dâng của sự sống, của cây cối, của sự đổi mới theo chu kỳ, được biểu thị bằng sự xuất hiện của rồng, tương ứng với mùa xuân, với phương Đông, với màu xanh lục: vào tiết xuân phân, rồng bay lên trời và vào tiết thu phân lại lao sâu xuống vực thẳm; điều đó được thể hiện bằng vị trí của các sao Kio  và ta-kio, bông của chòm sao Xử Nữ và Arcturus, những chiếc sừng của rồng. Việc sử dụng hình con rồng trong trang trí các cửa ra vào ở phương Đông cũng khiến nó mang một ý nghĩa biểu tượng chu kỳ, nhưng đúng hơn là có tính chất điểm chí.

dVề mặt thiên văn học, đầu và đuôi của Rồng là những điểm nút của Trăng, tức là các điểm diễn ra nguyệt thực: từ đó mà có hệ biê tượng Trung Hoa về con rồng nuốt mặt trăng và hệ biểu tượng Arập về đuôi Rồng được coi là vùng tối tăm. Ở đây ta gặp một mặt tối tăm trong ý nghĩa biểu  tượng của rồng, nhưng tính hai mặt của biểu tượng không thay đổi: rồng là dương với tư cách là dấu hiệu của sấm và mùa xuân, các hoạt động của trời; nó là âm với tư cách là chúa tể các vùng nước; nó là dương ở chỗ nó đồng nhất với ngựa, với sư tử – là những con vật thái dương – và với gươm; là âm ở chỗ nó là hóa thân của một con cá hay đồng nhất với con rắn; là dương với tư cách là nguyên lý phong thủy, là âm với tư cách là nguyên lý giả kim (thủy  ngân).

….

Theo Từ điển Biểu tượng Văn hóa Thế giới