Tinh Hoa

Những người già không mong Tết ở trại dưỡng lão

Đây là Tết thứ 7 bà Trung, 80 tuổi (Lò Đúc, Hà Nội) không về nhà. Cũng từng đấy thời gian, bà đón Tết tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi và hồi tưởng lại những mùa xuân đoàn tụ cả gia đình từ mấy chục năm trước.

Bà Trung là một trong số rất nhiều người già tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) không còn chờ đợi Tết để được gặp mặt đầy đủ con cháu tại gia đình.

Bị liệt từ gần 10 năm trước, con gái đã lập gia đình, cũng vất vả ngược xuôi nên bà Trung phải loay hoay tự lo cho mình. Không thể đi lại được, bà thuê người giúp việc chăm nom nhưng hết người này tới người kia chỉ ở lại với bà được vài hôm lại bỏ về quê. Không muốn ai bận tâm cho mình, 7 năm trước, bà gom góp tiền, bán nhà, vào trung tâm dưỡng già. “Tôi ở đây lâu thấy quen rồi. Tết vẫn ăn bánh chưng, vẫn được mừng tuổi, con cháu cũng tới chúc Tết… nhưng tất nhiên chẳng có cảm giác giác như xưa. Thôi, mình già rồi, cũng chẳng thể đòi hỏi gì”, bà nói bình thản nhưng đôi mắt nhìn ra xa.

Được em gái tới thăm trước Tết vì không có điều kiện đón chị về đoàn tụ đầu năm nhưng bà Sự chẳng bày tỏ cảm xúc gì. Bị lẫn vì tuổi già, bà không còn nhớ mặt người thân và cũng chẳng phân biệt Tết có gì khác ngày thường. Ảnh: Minh Thùy.

Mới vào trung tâm 6 tháng, bà Nguyễn Thị Nhàn (Hà Đông, Hà Nội) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Lấy chồng 24 năm vẫn không có con, bà chấp nhận để chồng đi lấy vợ khác rồi từ đó một mình lẻ bóng. Không nhà cửa, không chồng con, bà phải ở nhờ các cháu. Mấy năm nay, bệnh tim, khớp hành hạ khiến bà luôn đau đớn và được các cháu đưa vào trung tâm, vừa là có chỗ ăn ở ổn định, không phải sang hết nhà này tới nhà khác, vừa để luyện tập phục hồi chức năng.

“Tôi đã quen cảnh cô độc lâu rồi, nên Tết ở đâu cũng như nhau thôi”, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ thổ lộ.

Bà Nguyễn Thanh Mai (70 tuổi) ở Thịnh Quang (Hà Nội) rớm nước mắt khi kể về những cái Tết xưa tuy chật vật mưu sinh nhưng vẫn háo hức gói bánh chưng, tìm may cho con bộ quần áo mới. Bị Parkinson, không thể di chuyển được, người lúc nào cũng cứng đơ, bà được người thân đưa vào trung tâm Thiên Đức sống 3 năm nay. Người con trai duy nhất của bà là công nhân lái tàu, lấy vợ và sinh sống tại miền Nam, kinh tế khó khăn nên cũng chỉ ra thăm mẹ được 3 lần.

“Tết tới chỉ nhớ con, thương con vất vả, mong nhìn thấy con lắm, nhưng không thể được”, bà ngấn lệ khi có người hỏi mong mỏi nhất điều gì nhân dịp xuân mới.

“Hôm kia, có ông anh tới thăm, mang cho chiếc bánh chưng, tôi lại nhớ những cái Tết ngày xưa, mình tự tay rửa lá, gói bánh, cả nhà quây quần ngồi quanh nồi bánh, cùng ăn, bữa cơm đạm bạc nhưng ám áp vô cùng”, bà bùi ngùi kể thêm.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong số 120 cụ đang sinh hoạt tại trung tâm, như mọi năm, Tết năm nay chỉ có khoảng 1/3 các cụ trở về đoàn tụ với gia đình.

Vì số người ở lại Tết rất đông nên Trung tâm cố gắng tạo cho các cụ không khí đón năm mới như ở gia đình: Trang hoàng phòng ở, tổ chức bữa ăn tất niên và ăn Tết với các món truyền thống, giám đốc xông đất, chúc Tết mừng tuổi ngày đầu năm, biểu diễn ca múa nhạc…

“Làm sao để trung tâm như nhà một người con trưởng – nơi phụng dưỡng bố mẹ – ngôi nhà chung để vào các dịp lễ tết, các con cháu tề tựu lại”, ông Ngọc nói.

Ông cho biết, sinh hoạt tại đây chủ yếu là các cụ trên dưới 70 tuổi, nhiều nhất là 97, nhưng đa số trong tình trạng sức khỏe yếu, mắc các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, thấp khớp, suy giảm trí nhớ… Mỗi cụ có một hoàn cảnh riêng. Có những người không còn gia đình nhưng vẫn được các cháu họ vào thăm thường xuyên. Cũng có những người đơn chiếc, người họ hàng chỉ đến đóng tiền hoặc chuyển tiền qua tài khoản, và tới thăm khi nhân viên chăm sóc gọi tới lúc cụ có vấn đề về sức khỏe. Cũng có cụ bà bị tai biến, bị chồng ruồng rẫy, con nghiện ngập. Người phụ nữ cố gắng góp tiền để vào trung tâm để được chăm sóc y tế, nhưng tiền cho thuê nhà để trang trải chi phí ăn ở, chữa trị tại trung tâm cũng bị con lấy mất.

Cũng có những cụ chỉ ở được thời gian ngắn thì đòi về vì nhớ nhà, không thích nghi được với nếp sinh hoạt tại đây hay do các cụ tiếc tiền. Nhiều người đã lẫn, không nhớ nổi mình là ai, không nhận được mặt người thân tới thăm hỏi, và tất nhiên, cũng chẳng cảm nhận được không khí ngày Tết.

Đó là trường hợp của bà Sự, 90 tuổi (Văn Lâm, Hưng Yên). Từng là thanh niên xung phong, sau khi người yêu hy sinh tại chiến trường, bà Sự không lập gia đình, sống một mình ở quê. Mấy năm trước, tuổi già, bà sinh lú lẫn, hay đi lang thang khắp nơi. Người em gái đã lấy chồng ở Hà Nội thương chị, thuê hai ôsin về chăm lo cho bà, nhưng vẫn không yên tâm. Cuối cùng, bà được đưa tới Trung tâm và mỗi tháng, cặp vợ chồng người em hơn 80 tuổi lại bắt xe bus vào thăm chị 1-2 lần.

“Bây giờ gặp tôi chị ấy cũng không biết là ai cả. Tết này tôi cũng không dám đón chị về, vì vợ chồng tôi cũng neo người, lại phải chạy đi chạy lại quê chồng, quê vợ, không ai chăm chị được”, bà Huệ – em gái bà Sự rơm rớm nước mắt trong ngày tới thăm chị giáp Tết.

Là một trong số ít cụ trở về với gia đình Tết này, bà Linh (phố Lò Đúc – Hà Nội) đang mong từng ngày được các con vào đón. “Con trai tôi làm báo, gần 50 tuổi vẫn chẳng chịu lấy vợ. Ngày thường thì nó nay đây mai đó, nhưng Tết sẽ đón mẹ về nhà. Tết năm ngoái tôi yếu quá, phải ở lại đây, thấy buồn vô cùng. Tết này về hai mẹ con tôi sẽ chẳng làm gì, chỉ ngồi chơi nói chuyện với nhau thôi”, bà thổ lộ.

Vương Linh