Tinh Hoa

Lãnh đạo Ả-rập ủng hộ đưa quân tới Syria

Người dân tiếp tục biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad.

Trả lời phỏng vấn chương trình tin tức “60 Phút” của kênh CBS hôm qua, Quốc vương Qatar Khalifa al-Thani cho rằng cần triển khai binh sĩ tới Syria để chấm dứt tình trạng giết chóc đã làm khoảng 5.000 người thiệt mạng trong hơn 10 tháng qua. Quốc vương Khalifa al-Thani là nhà lãnh đạo Ả-rập đầu tiên ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria, nơi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã tiến hành đàn áp các cuộc biểu tình.

Bình luận của ông al-Thani được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại cho rằng sứ mệnh của nhóm quan sát viên AL tại Syria có nguy cơ thất bại khi hoạt động không hiệu quả và đã có 3 thành viên xin rút lui. Phái bộ này đến Syria từ ngày 26/12/2011 để giám sát việc thực thi kế hoạch giải quyết khủng hoảng do AL đưa ra.

Trong phát biểu mới nhất tại Mascate (Oman) ngày 14/1, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi cho biết sẽ xem xét, đánh gia lại sứ mệnh của phái bộ Ả-rập tại Syria trong cuộc họp của Ủy ban cấp bộ AL dự kiến diễn ra vào ngày 21/1 tới ở thủ đô Cairo (Ai Cập). “AL đang nỗ lực tìm cách chấm dứt đổ máu ở Syria và hiện mới chỉ nhận được các báo cáo từng phần của các nhóm thành viên trong phái bộ”, ông Arabi nói.

Ông cũng cho biết đã thảo luận với Ngoại trưởng Oman Alaoui Abdallah về tình hình Syria và những nỗ lực của AL trong việc bảo vệ dân thường nước này.

Lo ngại trước nguy cơ nội chiến tại Syria theo kịch bản Libya, Đại sứ Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Dmitry Rogozin cảnh báo phương Tây chớ can thiệp vào tình hình Syria.

“Tôi tin rằng bất cứ ảnh hưởng, sức ép nào của nước ngoài đối với một đất nước như Syria cũng sẽ dẫn đến thảm họa. Các bạn không nên can thiệp vấn đề của Syria. Điều đó rất nguy hiểm”, ông Rogozin quả quyết. Ông Rogozin là người liên tục chỉ trích cuộc không kích của NATO tại Libya hồi năm ngoái.

Ngoài ra, Nga cũng kịch liệt phản đối những sửa đổi trong dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà phương Tây đang xúc tiến. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gannady Gatilov nhấn mạnh: “Đáng tiếc, cách tiếp cận của phương Tây hoàn toàn khác với chúng tôi. Những nội dung sửa đổi của phương Tây cho thấy rõ mục đích chính của họ là nhằm thay đổi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad”.

Trước đó, hồi tháng 10/2011, Nga và Trung Quốc cũng đã phủ quyết nghị quyết của châu Âu về Syria.

Vũ Anh