Hai chiếc máy bay Airbus A320 của Vietnam Airlines và Boeing B737-400 của Jetstar Pacific đã gặp phải sự cố “hoạt động bay không đủ phân cách tối thiểu, uy hiếp an toàn bay” lúc một chiếc vừa cất cánh trong khi ở chiều ngược lại, một chiếc lại đang về sân bay Tân Sơn Nhất.
Tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhà chức trách hàng không đang điều tra sự cố uy hiếp an toàn bay do sự bất cẩn của kiểm soát viên không lưu.
Sự cố này xảy ra ngày 19/12/2011 khi một chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) mang số hiệu HVN1184 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đi Cát Bi (Hải Phòng) được kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh lấy độ cao từ mực bay 270 lên mực bay 350.
Chiếc máy bay VNA đang trả khách trong khi chiếc Jestar Pacific đang sắp cất cánh khỏi sân bay – Ảnh minh hoạ |
Trong khi đó, chiếc Boeing B737-400 trong chuyến bay mang số hiệu PIC511 của Hãng hàng không Jetstar Pacific đang bay bằng tại mực bay 320 để về sân bay Tân Sơn Nhất.
Khoảng hơn 11h, chiếc máy bay A320 của VNA còn cách Buôn Ma Thuột 12 dặm về phía Tây Nam, đang cắt qua mực bay 314 thì được kiểm soát viên không lưu yêu cầu nhanh chóng cắt qua mực bay 330.
Cùng thời điểm này, hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ xung đột (TCAS) trên chiếc A320 đã phát tín hiệu cảnh báo có máy bay phía trước và khuyến cáo tổ lái giảm độ cao xuống mực bay 313.
Tổ bay chiếc A320 của VNA đã điều chỉnh độ cao theo đúng cảnh báo của TCAS, không thực hiện theo huấn lệnh của điều hành không lưu. Theo báo cáo của tổ bay, lúc đó còn cách máy bay ngược chiều 10 dặm.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, chiếc máy bay mang số hiệu chuyến bay PIC511 của Jetstar Pacific lúc 12h còn cách Buôn Mê Thuột 12 dặm về phía Bắc. Khi đang ở mực bay 320, chiếc máy bay của Jetstar Pacific được kiểm soát viên không lưu yêu cầu rẽ trái, đổi hướng bay để tránh máy bay ngược chiều của VNA.
Nhưng tại thời điểm nhận huấn lệnh, chiếc B737-400 của Jetstar Pacific cũng được TCAS cảnh báo chuyển độ cao từ mực bay 320 lên 325 để đảm bảo phân cách với máy bay ngược chiều. Ngay lập tức, tổ lái thực hiện theo khuyến cáo của TCAS, sau đó mới thực hiện theo huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
Như vậy, 2 máy bay ngược chiều của VNA và Jetstar Pacific đã không đảm bảo đầy đủ phân cách tối thiểu, kiểm soát viên không lưu phải xử lý yêu cầu máy bay của Jetstar Pacific đổi hướng bay nhưng tổ lái không thể thực hiện được ngay và phải xử lý tình huống theo cảnh báo của TCAS.
Cục Hàng không Việt Nam nhận định đây là sự cố hoạt động bay không đủ phân cách tối thiểu, uy hiếp an toàn bay. Nguyên nhân ban đầu được xác định là số lượng chuyến bay cao, hầu hết các máy bay đều đang trong giai đoạn lấy/giảm độ cao trong khi phương án điều hành bay chưa hợp lý, khả năng bao quát nền không lưu và kỹ năng điều hành của kiểm soát viên không lưu chưa cao. Do đó, chưa phát hiện được xu hướng hội tụ của 2 máy bay người chiều trên khu vực Buôn Ma Thuột.
Cục Hàng không Việt Nam đã thành lập đoàn công tác kiểm tra về sự cố này để xác định nguyên nhân, biện pháp xử lý và ngăn ngừa tái diễn.
T. Hà/ NLĐ