Ngày Thứ Tư lạnh lẽo, một thanh niên đeo chiếc găng tay bẩn thỉu đang thay xích xe đạp trước cửa hàng sửa xe đạp của anh nằm trong ĐH Thanh Hoa.
So với những tòa nhà xung quanh trường đại học hàng đầu Trung Quốc này, cửa hàng rộng 3m2 của anh trông khá nhỏ và tồi tàn.
Nhưng người chủ của nó lại rất tự hào nói rằng: “Với cửa hàng của mình, tôi có thể sửa xe đạp cho sinh viên. Hơn nữa, bằng kinh nghiệm và số tiền kiếm được ở đây, tôi sẽ sản xuất được những chiếc xe đạp của riêng mình với mức giá thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn”.
Sinh viên của ĐH Thanh Hoa đặt cho anh cái tên ‘chàng trai can đảm’ sau khi đọc lý lịch của anh trên trang renren.com – một website nổi tiếng trong giới sinh viên Trung Quốc.
|
Ren Yuhua – một chủ cửa hàng sửa xe đạp ở ĐH Tsinghua gần đây đã khiến nhiều sinh viên xúc động sau khi đăng tải một bài viết chia sẻ kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm làm việc của anh ở Bắc Kinh. |
Hành trình tới cổng ĐH Thanh Hoa
Ren Yuhua, 29 tuổi đã rời ngôi làng ở Zhangjiakou, tỉnh Hà Bắc cách đây 12 năm sau khi tốt nghiệp trung học.
“Tôi quyết định đi làm để giúp đỡ gia đình nghèo khó của mình. Tôi tới Bắc Kinh một mình không hề do dự và tìm được một chỗ trọ tạm thời với một người cùng quê lúc đó đang làm việc ở một căng-tin của ĐH Thanh Hoa”.
Anh đã thử nhiều công việc kì lạ chỉ để nhận ra rằng giấc mơ thành thị lớn lao thật khó thực hiện.
Anh từng làm khuân vác ở một công trường xây dựng nhưng bỏ việc 2 ngày sau đó. Anh được một ông già cho học việc ở cửa hàng sửa xe đạp ở Thanh Hoa và đã làm việc ở đó trong 3 năm.
“Tôi bỏ việc vì lương rất thấp. Chỉ khoảng 600 tệ (95USD) vào năm 2002. Công việc này luôn làm tôi bẩn thỉu” – anh chia sẻ với nỗi thất vọng lớn.
“Tôi muốn làm những công việc thú vị và có thể kiếm được nhiều tiền”.
Tuy nhiên, anh không đạt được gì ngoài sự thất vọng lớn hơn. Anh đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm của mình và vay mượn thêm để mua một chiếc xe hơi để cung cấp dịch vụ ‘taxi đen’ bất hợp pháp, nhưng lại thất bại do không quen đường xá.
“Vợ đã ly hôn với tôi sau một loạt những thất bại trong sự nghiệp vào năm 2005. Tôi không còn đồng nào, nhưng sự kiêu hãnh không cho phép tôi quay về quê” – anh nói thấp giọng và ngừng lại một chút. “Sau đó, tôi quyết định tự tử”.
Mùa đông năm 2005, anh treo cổ tại căn hộ thuê. May mắn là sợi dây bị đứt và anh ngã vào bếp.
“Lúc đó, tôi hoàn toàn bị mất trí nhớ, giống như một chiếc máy vi tính bị rơi. Bố mẹ đưa tôi tới bệnh viện để điều trị bệnh tâm thần”.
Sau khi anh hồi phục, mẹ anh qua đời vì bệnh ung thư. “Đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời”.
Ren sống gần trường ĐH Thanh Hoa và quen biết một số sinh viên và giảng viên trong trường.
“Mọi người tới từ ĐH Thanh Hoa nên cố gắng hết sức mình vào bất cứ việc gì họ làm. Thay vì chạy theo tiền bạc, bạn nên là người sửa xe đạp giỏi nhất” – Peng Tao, một sinh viên đã tốt nghiệp và cũng là một người bạn của Ren nói với anh.
Con đường riêng của người sửa xe
Ren ghi nhận những lời khuyên của bạn và bắt đầu mở cửa hàng sửa xe đạp nhỏ trong khuôn viên trường vào năm 2008.
Peng nói rằng Ren khác với nhiều người sửa xe đạp. Anh có tham vọng học hỏi thêm về ngành công nghiệp này và có khả năng sáng tạo.
“Anh ấy đã lắp ráp một sàn tự động có thể nâng xe đạp lên để anh ấy không cần cúi xuống khi sữa chữa. Ý tưởng đó thực sự ấn tượng” – Peng chia sẻ.
“Tôi thấy nhiều sinh viên than phiền rất nhiều về những khó khăn của họ. Tôi nghĩ rằng câu chuyện của mình có thể cho họ thấy một điều rằng cuộc sống của họ tốt đẹp hơn tôi rất nhiều”.
Bài viết của anh vào ngày 3/12 với nội dung khuyến khích sinh viên mạnh mẽ hơn và nên hướng về phía trước đã nhận được hàng nghìn lời bình luận.
“Tôi đã bị sốc. Tôi không thể tin được rằng một người lạc quan như thế – người luôn muốn làm bạn với chúng tôi – lại có một quá khứ đau buồn đến vậy. Sau đó, tôi cảm thấy có lỗi vì đã lãng phí cuộc đời mình. Tôi nên học hỏi ý chí mạnh mẽ của anh” – Cai Xinshan, một sinh viên đã chuyển tiếp bài viết của Ren cho bạn bè chia sẻ.
Ren cũng tham gia vào hội tâm lý học của trường vào năm 2011 để giúp bất cứ ai trong và ngoài trường đang cần sự giúp đỡ.
“Tôi biết có những người cần sự giúp đỡ từ những kinh nghiệm của tôi. Và tôi sẽ giúp họ hết sức mình” – anh nói.
Ước mơ của Ren là xây dựng được thương hiệu xe đạp của riêng mình và tặng chúng cho những sinh viên. Một công ty ở tỉnh Giang Tô đã đề nghị cộng tác với anh để sản xuất những chiếc xe đạp đã được anh cải tiến vào tháng 12. Nhưng ông chủ công ty đó đã không tới gặp Ren như ông đã hứa.
“Tôi rất thất vọng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ” – anh nói chắc chắn.
- Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)