Tinh Hoa

Lệnh trừng phạt Triều Tiên bị Trung Quốc lách

Các dữ liệu cho thấy, cơ chế trừng phạt đối với Triều Tiên gặp sơ hở rõ ràng. Nó thể hiện qua việc Trung Quốc trở thành nhà cung cấp chính cho các loại hàng hóa được coi là xa xỉ cho Triều Tiên trong khi các nước khác khóa chặt việc xuất khẩu sang đây.

Dựa trên kiểm tra của Liên Hiệp Quốc và các dữ liệu thương mại từ phía Trung Quốc, Triều Tiên gia tăng mạnh lượng nhập khẩu nhiều sản phẩm đắt tiền, bao gồm ô tô, thuốc lá, máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác…Hầu hết hàng hóa đều chuyển qua biên giới Trung Quốc.

Tuy nhiên, các số liệu trên cũng minh chứng cho sự xuất hiện của một hoạt động kinh doanh mới ở Triều Tiên: đủ sức mua hàng xa xỉ. Một số nhà phân tích nhận định, nhóm này có thể đại diện cho một động lực mới nhằm thúc đẩy mạnh cải cách kinh tế và có khả năng làm suy yếu sự kiểm soát của nhà đương cục.

Từ năm 2007, nhập khẩu ô tô, máy tính xách tay và điều hòa không khí của Triều Tiên tăng gấp bốn lần trong khi nhập khẩu điện thoại di động tăng hơn 4.200%. Đa số mặt hàng đều xuất xứ Trung Quốc. Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2011.

Những nhà chỉ trích cáo buộc Trung Quốc không tiến hành đủ các biện pháp nhằm kiềm chế đồng minh “không thể dự đoán” này và chỉ khai thác vị thế quân sự của Bình Nhưỡng với chiêu bài tài trợ.

Trên thực tế, Bắc Kinh thất vọng khi Triều Tiên từ chối từ bỏ chương trình hạt nhân của mình nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt về nguyên tắc. Điều này càng làm chặt thêm quan hệ thương mại giữa hai nước và tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc nên nước láng giềng.

Các số liệu thương mại minh họa cho một tình thế tiến thoái lưỡng nan phải đối mặt với Mỹ và các đồng minh của nó.

Trung Quốc

Việc áp dụng trừng phạt với Triều Tiên bắt đầu sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009. Mục đích chính là gây áp lực trực tiếp lên giới lãnh đạo. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm xuất khẩu sang Triều Tiên các hàng hóa xa xỉ phẩm.

Tuy nhiên, phương Tây cáo buộc Triều Tiên có một cơ quan bí mật, có tên gọi là Văn phòng 39, làm nhiệm vụ bán ma túy và vũ khí để thu về các ngoại tệ mạnh cũng như mua các hàng hóa xa xỉ như iPad, laptop cho giới chức cấp cao.

Nhiều nhà phân tích và nhà ngoại giao phương Tây tin rằng, hình thức trừng phạt không hiệu quả. Lý do là Liên Hiệp Quốc cho phép các nước tự quyết định những sản phẩm nào mà họ coi là các mặt hàng xa xỉ.

Trung Quốc đồng ý thực hiện theo quy định nhưng lại cho phép xuất khẩu sang Triều Tiên nhiều sản phẩm mà Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và nhiều nước khác coi là xa xỉ phẩm nên tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu. Điều này nghĩa là Trung Quốc nới rộng tiêu chuẩn xa xỉ phẩm của mình nhằm hợp pháp hóa việc xuất khẩu.

Ngoài ra, các mặt hàng khác nhập vào Triều Tiên thông qua buôn lậu, đặc biệt là qua biên giới Trung Quốc.

Hong Lei, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo thường kỳ (5/1/2012) rằng, việc trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên không vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Đó là lợi ích của Bắc Kinh nhằm tránh sự sụp đổ của chế độ Triều Tiên, bởi vì nó có thể dẫn đến làn sóng tị nạn tràn vào Trung Quốc, đồng thời khiến Hàn Quốc và quân đội Mỹ tiến đến sát biên giới Trung Quốc hơn.

Trung Quốc cũng hy vọng sẽ tăng cường thương mại qua biên giới Đông Bắc nước này và sử dụng một cảng ở bờ biển phía Đông của Triều Tiên để nhận hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Các dữ liệu của Liên Hiệp Quốc còn chỉ ra, Trung Quốc thay thế Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Triều Tiên từ khi  Nhật liệt kê ô tô là hàng hóa xa xỉ năm 2006. Trong năm 2010, Trung Quốc vượt qua Singapore để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất ở Triều Tiên về các sản phẩm thuốc lá trong khi nhiều nước xem xét các mặt hàng này là xa xỉ phẩm theo lệnh trừng phạt.

Dòng chảy của hàng hóa cao cấp đến Triều Tiên ngày càng gây tranh cãi, nhất là với các hoạt động của Văn phòng 39. Ví dụ, trong năm 2009, Văn phòng này có liên quan trong vụ nhập khẩu qua Trung Quốc hai chiếc du thuyền của Italia trị giá 15 triệu USD.

Nhiều nhà phân tích tin rằng, Văn phòng 39 sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng, vị lãnh đạo kế tục Kim Jong-un có thể tạo ra đủ ngoại tệ mạnh và phân phát nhằm duy trì sự ủng hộ của giới tinh hoa chính trị.

Theo Jiyoung Song, trợ lý của văn phòng Chatham House, chuyên nghiên cứu Triều Tiên từ năm 1999 cho rằng: “Việc Triều Tiên nhập khẩu những hàng hóa xa xỉ còn có tác động khác. Nhưng thứ như đĩa DVD, điện thoại di động sẽ giúp thay đổi xã hội Triều Tiên, giúp họ hiểu thêm về thế giới bên ngoài và cho họ thấy những thứ không chỉ đến từ những lãnh đạo kính yêu của mình”.

Nhu cầu không chỉ của tầng lớp trên

Nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc không còn giới hạn trong các tầng lớp chính trị, đó là nhận định của Andrei Lankov, một chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên tại ĐH Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc).

Ông ước tính rằng giới tinh hoa chính trị bao gồm khoảng một nghìn các nhà hoạch định chính sách quan trọng cộng với khoảng 1 triệu người ở vị trí trung cấp hoặc cao cấp trong bộ máy hành chính. Phần còn lại của dân số 24 triệu người nhận được một mức lương chính thức chỉ từ 2-3 USD/tháng, hoặc cao hơn tới 15 USD nếu buôn bán thêm trên thị trường tư nhân.

Gần đây, tầng lớp doanh nghiệp mới nổi, chỉ chiếm khoảng 1% dân số (tương đương 240.000 người) vương lên với thu nhập ít nhất một vài trăm USD một tháng.

Lankov nhận định: “Nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa sang trọng đang được thúc đẩy bởi giai cấp tư sản mới”.

Ông cho biết, mình đã gặp một người đào ngũ vào năm 2008, tuyên bố kiếm được 1.000 USD một tháng nhờ nhập khẩu thuốc lá từ Trung Quốc và bán nó ở Triều Tiên trong bao bì giả.

Tuy nhiên, rất khó để xác minh chính xác, cái gì đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của Trung Quốc tại Triều Tiên. Nước này không hề công khai dữ liệu thương mại hay cho phép nghiên cứu thị trường độc lập.

Thống kê cụ thể của Liên Hiệp Quốc

Các dữ liệu chỉ thu thập từ báo cáo của các nước xuất khẩu sang Triều Tiên và được Cơ quan Thống kê cơ sở dữ liệu hàng hóa thương mại của Liên Hiệp Quốc tổng hợp. Số liệu các nước được cập nhật đến hết năm 2010, còn riêng với Trung Quốc, hải quan nước này đã cấp các dữ liệu cho đến tháng 11/2011.

Trong số các nước xuất khẩu rượu vào Triều Tiên, số lượng từ Hồng Kông trong năm 2010 là 839 chai với trị giá trung bình là 159 USD một chai và 17 chai rượu nho và bã nho trị giá 145 USD một chai.

Trong năm 2010, Triều Tiên cũng nhập khẩu 14 màn hình màu từ Hà Lan, trị giá khoảng 8.147 USD một chiếc và khoảng 50.000 chai rượu vang từ Chile, Pháp, Nam Phi và các nước khác. Ngoài ra là 3.559 bộ trò chơi điện tử từ Trung Quốc.

Một phần trong số này có thể được phục vụ cho số lượng nhỏ khách du lịch, nhà ngoại giao và doanh nhân nước ngoài đến Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rõ ràng chỉ dành cho Triều Tiên. Ô tô là một ví dụ thể hiện địa vị xã hội cao nhất và thường được dùng làm quà tặng của nhà nước để các quan chức cấp cao trung thành.

Trong năm 2010, Triều Tiên nhập khẩu 3.191 xe, phần lớn từ Trung Quốc. Ngoài ra, có một hợp đồng mua xe sang trọng trị giá tới 59.976 USD mua từ Đức.

Sự gia tăng đáng kể nhất là nhập khẩu điện thoại. Trong năm 2010, cả nước này nhập khẩu 433.183 điện thoại di động, gần như tất cả từ Trung Quốc với giá trị trung bình khoảng 81 USD một chiếc.

Theo Công ty viễn thông Ai Cập Orascom, tổ chức ra mắt mạng di động đầu tiên và duy nhất của Triều Tiên trong năm 2008, công bố rằng có khoảng 809.000 thuê bao tính cho đến cuối quý III năm 2011.

 

Mạnh Thắng / Wall Street Journal
(Theo baodatviet)