Mới đây, hơn 1 triệu người dân Hồng Kông đã tham gia diễu hành kêu gọi “rút lại điều luật xấu ác”. Họ cho rằng một khi “Luật dẫn độ đào phạm” được thông qua, thì “một nước hai chế độ” sẽ không còn tồn tại nữa, bởi nền pháp trị của Trung Quốc vốn không đáng tin.
Ngày 9/6, Hồng Kông đã diễn ra cuộc diễu hành quy mô lớn nhằm “Phản đối dự luật dẫn độ đào phạm tới Trung Quốc”, ước tính có khoảng 1,03 triệu người tham gia cuộc diễu hành lần này, trở thành cuộc diễu hành trên quy mô lớn nhất của Hồng Kông kể từ sau khi bàn giao chủ quyền cho Trung Quốc từ năm 1997 đến nay.
Người dân Hồng Kông: Nền pháp trị của Trung Quốc vốn không đáng tin
Chính phủ Hồng Kông kiên quyết sửa đổi “Luật dẫn độ đào phạm”, và sẽ được Hội đồng Lập pháp thông qua vào ngày 12/6.
Bởi lo lắng sau khi điều lệ được thông qua, người ở Hồng Kông bị đưa đến Trung Quốc sẽ bị xét xử và tra khảo bất công, 2 giờ 30 phút chiều ngày 9/6, khoảng 1,03 triệu người dân Hồng Kông đã diễu hành từ Công viên Victoria đi đến trụ sở chính của chính phủ Hồng Kông và Hội đồng lập pháp Hồng Kông, yêu cầu chính phủ rút lại “Điều luật xấu ác”.
“Nền pháp trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không đáng tin, chúng tôi sao có thể gửi người qua đó được?”, một nữ sĩ họ Hoàng trong ngành quan hệ công chúng tham gia cuộc biểu tình chia sẻ với trang BBC tiếng Trung.
“Đây là một khóa giáo dục công dân tốt nhất, có thể dạy cho lũ trẻ nhìn rõ mối quan hệ bất bình đẳng giữa Trung Quốc và Hồng Kông là như thế nào… Hồng Kông là nơi có hệ tư pháp độc lập, còn Trung Quốc thì không, nếu chúng tôi dễ dàng cho phép áp giải người mà gọi là tội phạm đến Đại lục, thì anh ta có thể bị đánh đập, có thể bị giam cầm một cách bất hợp pháp trong thời gian dài”.
Tuy rất nhiều người dân phổ thông đều sẽ không chút dính dáng gì đến vấn đề bị áp giải sang Trung Quốc, nhưng cô Hoàng cho hay: “Các nhân vật chính trị, ký giả, các tổ chức phi chính phủ, họ là những người sẽ phải đứng mũi chịu sào, điều này sẽ ảnh hưởng đến những tin tức chúng tôi được xem được đọc hàng ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi, mục đích cuối cùng của chính phủ Trung Quốc chính là muốn hù dọa chúng tôi, khiến chúng tôi không dám cất lên tiếng nói, chúng tôi nên phải có được tự do ngôn luận mà không phải chịu sự chèn ép”.
Trước đó, một người dân mới di cư từ Trung Quốc sang Hồng Kông cũng không ngừng lên tiếng tuyên bố, chỉ ra rằng họ đến từ Trung Quốc, rằng “tuyệt đối không được tin vào nền pháp trị kiểu Trung Quốc”. Lời tuyên bố chỉ ra: “Kinh nghiệm sống nhiều năm ở Trung Quốc đã giúp chúng tôi hiểu được rằng, hệ thống tư pháp của Trung Quốc hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của đảng, quyền lợi của đảng còn cao hơn cả luật pháp cơ bản, chúng tôi không tin tưởng vào nền pháp trị kiểu Trung Quốc được”.
Lời tuyên bố nói thêm: “Ở Trung Quốc, từ giới thương nhân, giới chính trị, giới tri thức cho đến công dân bình thường, phàm là những người gây bất lợi cho kẻ nắm quyền, không tuân theo mệnh lệnh, những người không phục tùng áp bức, đều có thể bị bắt giữ một cách tùy tiện, giam giữ quá kỳ hạn, bị tước đoạt quyền lợi cơ bản như gặp gỡ người thân và quyền mời luật sư biện hộ, bị đóng cửa tra hỏi, ngược đãi trong tù, liên lụy đến người nhà, không có chút trình tự chính nghĩa nào có thể nói đến”.
Người nắm quyền lại là kẻ coi thường nền pháp trị
Theo nguồn tin khác từ trang Reuter cho hay, có nhiều quan chức thẩm phán có thâm niên ở Hồng Kông cũng nói thẳng, rằng họ hoàn toàn “không có lòng tin với thể chế luật pháp do ĐCSTQ kiểm soát”, vậy nên chỉnh sửa điều luật là “tuyệt đối không nên,… khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng khó xử”.
Từ trước đến nay, chế độ luật pháp của ĐCSTQ luôn bị xã hội quốc tế lên án. Bắt đầu từ ngày 9/7/2015, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hàng loạt các luật sư duy hộ nhân quyền trên quy mô lớn, cho đến tận hôm nay vẫn có luật sư bị bắt giữ năm đó thân đang trong tù và bị ĐCSTQ bức hại.
Nhiều tổ chức luật trên thế giới đã lên tiếng khiển trách chính quyền ĐCSTQ tiếp tục đàn áp những luật sư, những nhân sĩ chính nghĩa duy hộ nhân quyền, còn Trung Quốc vẫn không chút để tâm.
“Nhận tội trên truyền hình” là một ví dụ khác về giới chức Trung Quốc xem thường pháp trị. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đây là một nét đặc sắc và là sản phẩm của xã hội pháp trị.
Trên thực, tế, “nhận tội trên truyền hình” đã kế thừa cách làm “bắt giải đi trên phố chịu tội trước công chúng” của thời Cách mạng Văn hóa, khiến đương sự một thân một mình bị cô lập hoàn toàn. Khi bị những đòn tra tấn dã man về thể xác lẫn tinh thần, không thể không khuất phục trước kẻ bức hại, làm ra những việc “hối hận” trái với lương tâm.
Ông Khổng Kiệt Lâm – Giáo sư của Học viện luật học của trường đại học ở New York nói thẳng: “Bắt cóc và nhận tội trên truyền hình là một chuỗi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và luật hình sự khởi tố của Trung Quốc, nó cho thấy chính quyền Trung Quốc cố tình tuyên bố cho thế giới rằng nó xem thường nền pháp trị”.
Chỉ số pháp trị năm 2018 – 2019 được “Dự án Tư pháp thế giới” (The World Justice Project – WJP), một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ công bố cho thấy, trong số 126 quốc gia có trong danh sách thì Trung Quốc xếp thứ 82, còn trong bảng danh sách 15 quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thì Trung Quốc xếp thứ 12.
Báo cáo chỉ ra, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc ngày càng xấu đi. Lật lại chỉ số pháp trị mà WJP công bố trong mấy năm qua có thể thấy được rằng, vị trí xếp hạng của Trung Quốc trong suốt mấy năm nay đều chỉ loanh quanh ở mức 80.
Còn Hồng Kông thì trong 2 năm trước đó, trong số 126 quốc gia và khu vực đều xếp hàng thứ 16, vượt xa Trung Quốc rất nhiều.
Thiện Ân (Theo Secretchina)