Tinh Hoa

Thăm ‘thành phố trong mây’ ở Peru

Rinconada là một thị trấn tại dãy núi Andes của Peru, được xem là thị trấn cao nhất thế giới.

Thăm 'thành phố trong mây' ở Peru

Chiều cao giới hạn mà con người có thể sống sót là khoảng 6.000m, còn chiều cao gọi là “vùng chết” thường là trên 8.000m. Đây là chiều cao khắc nghiệt con người không thể tồn tại. Theo các nhà nghiên cứu, con người không thể sống vĩnh viễn ở độ cao trên 5.500m so với mực nước biển, bởi họ sẽ bị suy giảm sinh lí dần dần và cuối cùng cũng sẽ chết. Ngay những người leo núi cũng phải dự đoán “chi tiêu” thời gian ở trên độ cao này và thường phải “vỗ béo” trước khi leo núi, để bù lại phần năng lượng tiêu hao trong quá trình chinh phục đỉnh núi.

Khi độ cao tăng lên, áp suất khí quyển giảm đi, lượng oxy trong không khí cũng giảm. Độ cao đi kèm với rất nhiều nhược điểm: bạn có thể khó thở trong môi trường không khí mỏng manh, có thể say ở độ cao và bị nhiễm lạnh do thời tiết lạnh hơn ở vùng đồng bằng. Nhưng kì lạ thay con người của thị trấn Rinconada thuộc Peru hiện đang cư trú trong điều kiện khắc nghiệt với số lượng người sinh sống không phải là ít. Thị trấn này chứng minh rằng con người có một khả năng thích nghi đáng kinh ngạc, một cuộc sống trong những đám mây tồn tại hơn 45 năm qua.

Thật khó để chúng ta tưởng tượng ra một cuộc sống nằm ở độ cao 5.100m trên mực nước biển. Người dân của thị trấn Rinconada đã chiến đấu trong nhiều năm liền để tồn tại ở một nơi xa xôi hẻo lánh và có thể nói là buồn tẻ nhất thế giới, chiến đấu để thích nghi với khí hậu thực sự khắc nghiệt. Quanh năm trong tiết trời giá rét, người ta chỉ sinh hoạt và đi lại thông qua một con đường bộ phủ đầy băng tuyết duy nhất, hiếm khi thấy sự xuất hiện của xe tải qua những con đường núi nguy hiểm và quanh co. Tuy nhiên, trong 45 năm qua do sự quyến rũ của các mỏ vàng gần thị trấn mà người ta sẵn sàng chịu đựng, chung sống với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt như địa ngục vậy.

Bên cạnh đó thị trấn Rinconada cũng không có cơ sở hạ tầng cơ bản. Thị trấn hoàn toàn không có hệ thống nước cung cấp cho cư dân sinh hoạt và hệ thống xử lí nước thải hay bất kì hình thức vệ sinh nào cả, làm cho khu vực này giống như một khu ổ chuột thật sự trên bầu trời. Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn kể từ khi dân số tăng lên 200%, trong khi đó tổng số dân thống kê năm 2009 là có 30.000 người.

Phần đông người dân Peru sống ở khu vực này đều làm việc trong các hầm mỏ ở vùng núi Andes và đây cũng là lựa chọn cuối cùng của họ. Nó là điểm đến cho những người lao động nghèo và tuyệt vọng. Và công ty sở hữu việc khai thác mỏ Ananea đối xử với họ thật sự tàn nhẫn, với tiền lương hàng tháng rẻ mạt, thậm chí đi làm một tháng mà không nhận bất kì đồng lương nào. Làm việc trong một môi trường độc hại lại cộng thêm tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập họ mà không có một chế độ bảo hiểm đặc biệt nào cả.

Cuộc sống của cư dân thị trấn Rinconada có thể nói là bị mắc kẹt trong một ngôi làng bị cô lập, hiu quạnh và họ chỉ biết làm việc trong các mỏ vàng gần thị trấn, nói chính xác là làm việc cho công ty khai thác mỏ như một nô lệ. Nhưng họ vẫn chấp nhận làm việc miễn phí trong các mỏ để đổi lấy quyền sở hữu một số vàng nhỏ nhoi. Cứ vào ngày cuối cùng của mỗi tháng, họ được phép mang về nhà một bao quặng, nhưng bên trong có chứa vàng hay không còn phụ thuộc vào duyên may nữa.

Đây không phải là một thành phố đến thăm, nhưng cũng là một nơi tò mò đối với những vị khách đi bộ đường dài, muốn tìm một nơi nghỉ ngơi qua đêm cho cuộc hành trình tiếp theo.

Những hình ảnh về thị trấn và xung quanh cuộc sống của người dân:

Công trình đang thi công dang dở.

Những chiếc xe tải hiếm hoi tại thị trấn.

Khu vực khai thác mỏ.

Nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao.

Tuệ Tâm

Theo Bưu Điện Việt Nam