Tinh Hoa

100 năm Nobel Vật lý: Những điều thú vị

Trước giờ công bố Giải Nobel Vật lý năm 2012, thử tìm hiểu: Những ai 2 lần nhận Giải Nobel Vật lý? Danh hiệu “Gia đình Nobel”? Các cặp “cha con” Nobel? Chủ nhân Nobel Vật lý trẻ nhất? v.v…


Giải Nobel Vật lý lần đầu tiên được trao cho Wilhelm Conrad Röntgen, người Đức, về “Phát minh loại tia bức xạ đặc biệt đặt tên là tia Röntgen” vào năm 1901. Ông được nhận khoản tiền thưởng 150.782 SEK (đồng tiền Thụy Điển), tương đương 7.731.004 SEK ở thời giá tháng 12 năm 2007.
Giải Nobel Vật lý gần đây nhất, trao năm 2011, cho 3 nhà khoa học Saul Perlmutter, Brian P. Schmidt và Adam G. Riess về thành tựu Thiên văn học – “Phát hiện sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ qua việc quan sát các siêu tân tinh ở rất xa”. Tổng giá trị giải thưởng chia đều cho 3 người là 10.000.000 SEK, tương đương thời giá năm 2011 là 1 triệu Euro, hay 1,4 triệu USD.
Dự báo cho giải Nobel Vật lý năm 2012 khá phân tán. Hãng Thomson Reuters đưa ra những 3 phương án:
i/ Kỳ vọng nhất là cho nhà khoa học Charles Bennett, Gilles Brassard và William Wootters về “Xây dựng các phương pháp thực hành trong lĩnh vực viễn di lượng tử (quantum teleportation) – di chuyển các đối tượng trong thế giới vi mô ở trạng thái lượng tử”.
ii/ Cơ hội lớn dành cho Leigh Canham (chuyên gia về các tinh chất của silic xốp) về “Lĩnh vực quang điện tử học (optoelectronics).
iii/Một khả năng nữa dành cho hai nhà khoa học – Stephen Harris (Mỹ) và Lene Hau (Đan Mạch) – về những công trình làm chậm xung lượng ánh sáng trong đám mây các nguyên tử Natri siêu lạnh.
Tính đến năm 2011, đã có tổng cọng 105 lần trao giải Nobel Vật lý và cho 191 cá nhân. Các 6 năm không trao giải là: 1916, 1931, 1934, 1940-1942. Trong đó, 47 Giải Nobel Vật lý đã được trao cho chỉ một người. 29 Giải Nobel Vật lý đã được trao và chia cho hai người. 29 Giải Nobel Vật lý đã được trao và chia cho ba người.
Người duy nhất đoạt hai giải Nobel Vật lý – vào năm 1956 và 1972 là John Bardeen. Marie Curie cũng hai lần được trao Giải Nobel, nhưng ở hai lĩnh vực khác nhau: Nobel Vật lý năm 1903 và Nobel Hóa học năm 1911.
Có hai người phụ nữ đoạt giải Nobel Vật lý: Marie Curie (gốc Ba Lan) nhận giải năm 1903 và Maria Goeppert-Mayer (gốc Do Thái) nhận giải năm 1963.
Người đoạt giải Nobel trẻ nhất từ trước tới nay là William Lawrence Bragg, cùng với cha mình năm 1915, ở tuổi 25. Người đoạt Giải Nobel Vật lý già nhất là Raymond Davis Jr., nhận giải năm 2002 ở tuổi 88.
Danh hiệu “Gia đình Nobel” thuộc về: i/ Nhà Curie với hai vợ chồng ông bà Marie Curie và Pierre Curie, con gái và con rể của họ là Irène Joliot-Curie, Frédéric Joliot Curie, ii/ Cha và con: William Bragg và Lawrence Bragg (năm 1915); Niels Bohr (năm 1922) và Aage N. Bohr (1975); Manne Siegbahn (1924) và Kai M. Siegbahn (1981); J.J. Thomson (1906) và George Paget Thomson (1937).
Hoàng Hà (tổng hợp)

Theo VietnamNet