Tờ tiền giấy đầu tiên là phát minh của người Trung Quốc vào thế kỷ 17, sau đó nhiều thể loại tiền tương tự đã được các quốc gia in ấn, nào là giấy gió, da, nhựa polyme, với hình thức ngày càng phức tạp, thập chí ẩn giấu cả những bí mật khó hiểu.
1/ 50 xu Đức – Tờ tiền khẩn cấp
Đồng tiền 50 xu của Đức không phải xu kim loại mà là những tờ tiền giấy này được phát hành nhằm bù cho các tiền xu bằng kim loại vốn đang thiếu hụt trong Thế chiến I do dùng vào việc chế tạo vũ khí. Tình hình chiến sự gia tăng, giá bạc, đồng, niken tăng vụt khiến cho việc đúc thêm tiền quá khó khăn. Người ta bèn nghĩ ra phương pháp in loại tiền giấy ‘xu khẩn cấp’ này.
Các ‘đồng xu’ ban đầu được in khá sơ xài, nhưng sau đó người ta vẽ lên đó nhiều họa tiết, dân gian, biếm họa, xã hội chính trị mà không theo một chuẩn mực nào. Điều này tạo ra nhiều mẫu ‘đồng xu’ cùng mệnh giá nhưng hình ảnh độc đáo, ‘không đụng hàng’ và thu hút các nhà sưu tầm.
Loại tiền này chỉ tồn tại trong khoảng 3 năm ngắn ngủi, lạm phát tăng cao đến nỗi việc in tiền giấy cũng gặp khó khăn, người ta phải sử dụng các con tem bưu điện bọc giấy nhôm hay nhựa để lưu hành thêm như tiền tệ. Đến năm 1923, đồng Mác đầu tiên ra đời đã chấm hết cho kỷ nguyên đồng xu giấy tại đây.
2/ 1 Kyat – Đồng tiền dân chủ đầu tiên của Miến Điện
Chỉ cách đây vài năm, Miến Điện vẫn còn là một đất nước đang đối mặt với tình trạng nội chiến, cuộc nội chiến lâu nhất trên thế giới kéo từ tận…năm 1948.
Tướng Aung San, cha ruột nhân vật nhận giải Nobel hòa bình ngày nay là bà Aung San Suu Kyi, người có công đầu đưa quốc gia Miến Điện giành được độc lập trước đó. Ông bị các đối thủ chính trị ám sát chỉ vài tháng trước khi Anh quốc trao trả quyền độc lập về cho Miến Diện, lúc Suu Kyi chỉ mới lên 2.
Suu Kyi phải lưu lạc sang Anh quốc và chỉ trở về lại Burma vào đầu thập niên 90 để chăm sóc mẹ già hay đau yếu. Hấp thụ nền giáo dục phương Tây, bà ấp ủ ước mơ cải cách đất nước theo phương cách của Mahatma Gandhi và tiến sĩ Martin Luther King Jr. Thật không may là quốc gia này đang xảy ra nội chiến, xung đột dai dẳng giữa các phe phái, rồi chuyển mình từ độc tài sang quân phiệt. Tuy nhiên, khi đó tiếng nói của bà lại như một luồng gió mới mang lại hy vọng, đủ uy tín để thuyết phục quần chúng. Sự xuất hiện gây tiếng vang của bà khó tránh khỏi sực tị hiềm của các thế lực chính trị cố hữu, bà trở thành tù nhân lương tâm bị giam lỏng đến tận 20 năm.
Hình tướng Aung San, vị anh hùng dân tộc vẫn được in trên tờ tiền 1 Kyat của Miến Điện, nhưng hình này được in chìm, chỉ hiện lên khi được rọi qua ánh sáng. Chính quyền độc tài không muốn hình ảnh ông Aung San được in nổi, họ không muốn bà Suu Kyi được ‘hợp pháp hóa’.
3/ 50 xu tem phiếu dùng nội bộ cho trại tập trung Đức Quốc Xã
Oranienburg là trại đầu tiền cho phát hành loại tiền tem phiếu này, chi tiết đồ họa trên loạt tiền đầu tiên được vẽ bởi Horst-Willi Lippert, một họa sĩ bị bắt giam vì đã biểu đạt thái độ chống phát xít.
Horst-Willi Lippert bị bắt ép phải thiết kế ra các bản in tiền để lưu hành trong trại. Tương kế tựu kế, ông đã lồng vào đồ họa trên tờ tiền thông điệp nhắn ra ngoài công chúng rằng trại tập trung thực chất là nơi đàn áp, tra tấn con người vô nhân đạo.
Cụ thể Lippert đã vẽ hình lính canh với dây thép gai canh gác nghiêm nghị ở tờ 50 xu. Trên tờ 1 Mác ông đã vẽ một tù nhân đang cố gắng đào hầm để trốn thoát, ông thậm chí còn cố ý làm chữ G bị mất đi một nét trong ‘trại tập trung’ để biến nó thành từ ‘tập trung giết chóc’. Đức Quốc Xã đã không hề phát hiện ra các chi tiết này, Lippert may mắn sống sót qua chiến tranh và nhờ thế mà tồn tại đến ngày nay để xác nhận những chi tiết trên.
4/ Mặt quỷ trên tờ ngân phiếu $1.000 Canada
Ảnh chân dung nữ hoàng Elizabeth II chụp ngồi được Canada sử dụng in lên các tờ tiền và ngân phiếu mệnh giá từ $1 – $1000 từ những năm 1954, và được in phía bên phải của tờ tiền giấy để tránh bị hoen ố khi bị gập đôi.
Bức ảnh lấy từ ảnh chụp của nhiếp ảnh gia nổi tiếng là Yousuf Karsh lại có vương miện trên đầu, trong khi người Canada lại ưa ảnh chân phương của người phụ nữ này hơn, nên họ thuê các họa sĩ vẽ lại phần đầu tóc của bức chân dung để loại ra phần vương miện. Mái tóc được vẽ lại và làm sáng hơn những không ngờ lại chứa hình một con quỷ nhỏ nằm phía đuôi tóc. Chỉ sau một năm phát hành, các lời đồn đại về hình quỷ này bắt buộc ngân hàng phải thu hồi loại tiền này, để in bản mới sửa lại chi tiết trên. Tuy nhiên, tờ $1000 lại chưa được đụng đến.
Tờ $1000 được phổ biến vì một lý do đặc biệt. Năm 2000, Canada thoái lui trong cuộc chiến chống các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Các băng nhóm tội phạm và tổ chức rửa tiền lớn ưa chuộng lưu hành các tờ ngân phiếu giá trị lớn như $1000 (điển hình là băng Pinkies – ‘màu hồng’), vì chúng gọn nhẹ dễ lưu thông. Tính đến năm 2011, vẫn còn có hàng triệu tờ $1000 đang lưu hành ngoài hệ thống ngân hàng Canada, được sử dụng chủ yếu giữa các băng nhóm với nhau.
5/ Tờ 20.000 Zaire Congo với chân dung để trống
Việc lãnh đạo bị trất phế thường xuyên đã kéo theo hình ảnh đồng tiền tệ bị tổn hại nghiêm trọng. Chuyện gì sẽ xảy đến khi các nhà độc tài như Saddam Hussein và Muammar Gadhafi bị lật đổ? Dân chúng phải sống chung với các tờ tiền có in hình chân dung các nhân vật này thêm một thời gian nữa.
Chỉ vài tháng sau khi giành được độc lập từ Bỉ, đất nước giàu khoáng sản Congo bị chìm trong nội chiến khi Thủ tướng do dân bầu lên là ông Patrice Lumumba bị lật đổ và sát hại. Tệ hơn là sau đó, Joseph Mobutu, một nhân vật thân Phương Tây, có thể là chủ mưu sát hại Lumumba được Mỹ hậu thuẫn lên làm Tổng thống.
Suốt 31 năm, Mobutu ra sức cướp bóc và nghiền nát các tiếng nói bất đồng chính kiến, vươn lên thành một trong những cá nhân sở hữu nhiều của cải nhất thế giới, trong khi dân chúng lầm than và lạm phát phi mã tính theo ngày. Mobutu bị lật đổ năm 1997, trốn thoát qua Morocco rồi qua đời vài tháng sau đó vì ung thư tuyến tiền liệt.
Congo sau đó lấy lại tên ‘Cộng hòa Dân chủ Congo’ nhưng phải đối mặt với nạn thiếu hụt tiền giấy nghiêm trọng, họ phải tái xuất tờ tiền Zaire đã có trước đó với chân dung của Mobutu bị bóc khỏi tờ tiền giấy.
6/ Tờ $5 lưu hành nội bộ cho các nước thuộc địa
Trong thời kỳ thuộc địa Anh trước khi cách mạng nổ ra, các ngân hàng Mỹ đã cho phát hành loại tiền riêng được sử dụng cho các thuộc địa. Các ấn bản đầu tiên có thiết kế khá đơn giản và dễ bị làm giả. Sau đó, người ta bắt đầu nghiên cứu các chi tiết bảo mật phức tạp hơn, với hình ảnh văn hóa đậm nét bản địa, mà chỉ có người thành viên trong nghề mới có thể phân biệt ra.
Một trong các chi tiết được in trên tờ tiền có phát xuất từ một câu chuyện xảy ra ở thị trấn Connecticut – Windham, khu vực nằm lọt giữa cuộc chiến tranh Pháp – Ấn và những năm 1750. Vào một đêm hè oi bức tháng 6, dân trong thị trấn bị đánh thức bởi tiếng động lạ, họ bắt đầu cảnh giác nguy cơ sắp có một cuộc tập kích của các bộ lạc thổ dân Mỹ hay binh lính Pháp. Dân làng vội vã trang bị vũ khí và tập hợp tiến ra hướng phát tiếng ồn để nghênh chiến. Đội ‘quân làng’ lọt vào một khu vực đầm trũng, không thể tiến xa hơn nữa nên phải chờ khi trời sáng. Lúc mặt trời ló dạng, họ phát hiện tiếng động đêm qua đến từ hàng vạn con ếch tranh giành chút nước trên khu đầm nhỏ, chúng đánh nhau kịch liệt và chỉ còn khoảng một nửa sống sót.
7/ 35 Kyat Miến Điện – Tờ tiền lẻ duy nhất trên thế giới
Khi Burma giành được độc lập từ Anh quốc năm 1948, đại tướng U Ne Win trở thành thủ lĩnh tối cao quân đội và dành lấy quyền lãnh đạo đất nước từ tay Thủ tướng U Nu năm 1962.
Vừa mê tín và độc tài, U Ne đã đưa đất nước Miến Điện vào thời kỳ đen tối nhất trong suốt thời cai trị, U Ne Win thường tiến hành các nghi thức đi giật lùi qua cầu để xả xui, và tắm máu cá heo để được trường sinh đến 90 tuổi.
Năm 1970, U Ne Win cho thay đổi luật giao thông từ lái xe bên trái sang bên phải, vì nghe theo lời thầy bói phán rằng tình hình đất nước đang bị lệch về phía cánh tả. U Ne Win cũng khá mê tín vào các con số có liên quan đến vận mệnh của mình, nên cho in các tờ tiền có mệnh giá 15, 35, 75 và 90 Kyat. U Ne Win cuối cùng cũng bị trất phế và chết tại nhà ở tận tuổi… 91.
8/ Tờ 50 Rupee – Ấn độ
Nữ hoàng Elizabeth II, người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong thế giới cận đại, xuất hiện trên tiền tệ của 33 quốc gia, với ít nhất 26 phiên bản chân dung khác nhau, và bà cũng có mặt trên tờ 50 Rupee Ấn.
Phiên bản 50 Rupee năm 1968, bên cạnh chân dung nữ hoàng, còn có đám cây dừa với dòng chữ ‘sex’ ẩn bên trong. Tờ 10 Rupee, thậm chí còn có từ ‘scum’ (cặn bã) bên dưới chân chèo của chú rùa biển. Không ai biết được lý do vì sao xuất hiện các thông điệp lạ lùng này, người ta kiểm tra các âm bản do nghệ nhân thiết kế ban đầu, kết quả đều không tồn tại các thứ dị thường này. Người ta đặt ra các giả thiết như các chi tiết đó được bí mật chèn vào để tránh việc tờ tiền bị làm giả, hoặc những người muốn giành độc lập từ Anh quốc, đã chèn các thông điệp khiếm nhã để làm nhục mẫu quốc.
9/ Tiền dùng khi du lịch vũ trụ
Không bao lâu nữa đi du lịch không gian vũ trụ là chuyện khả thi. Mà đã đi du lịch thì phải mua quà kỷ niệm đem về Trái đất, vấn đề là mua bằng tiền gì. Những đồng xu hiện nay sẽ gây nguy hiểm cho du khách vì nó có cạnh bén nhọn, điều này sẽ gây họa trong tình trạng vô trọng lực.
Nếu sử dụng thẻ tín dụng, vạch từ trên thẻ sẽ bị bức xạ vũ trụ phá hỏng, không dùng được. Hơn nữa, với khoảng cách giữa Mặt trăng – Trái đất (375.000 km), việc thanh toán qua hệ thống viễn thông sẽ gặp nhiều khó khăn, cho nên sử dụng đồng tiền vũ trụ là thượng sách. Đó là lý do ra đời đồng Quid của Công ty Travelex.
Tiền Quid có hình oval bằng nhựa, cạnh tròn, rất an toàn. Nó không tiết ra chất hóa học độc hại. Trên mỗi đồng tiền có in hình 8 hành tinh của Thái Dương hệ. Người ngoài hành tinh, nếu có, thấy sẽ biết ngay đó là tiền của người Trái đất. Tiền Quid có năm loại, có thể xếp chồng lên nhau, mỗi thứ một màu đại diện cho một mệnh giá.
Năm 2013, Quid xuất hiện đối thủ cạnh tranh, hãng Paypal tuyên bố phát triển một hệ thống khác có thể thanh toán liên hành tinh mà không cần đến thẻ tín dụng hay tiền tệ.
10/ Ma cà rồng trên tờ 10.000 Mác Đức
Sau thất bại tại Thế Chiến I, Đức phải ký hiệp ước Versailles, chấp nhận thua cuộc và cắt giảm các vùng đất giàu khoáng sản để bồi thường cho bên thắng. Thiếu hụt đi nguồn lực thiên nhiên quan trọng, khả năng phục hồi của nền kinh tế Đức dường như vô vọng.
Ngoài ra, để bồi thường thiệt hại chiến tranh, Đức buộc phải rót hàng tỉ Mác vào các nước Châu Âu, đặc biệt là Pháp và Bỉ để trả nợ, kinh tế Đức trở nên kiệt quệ và khó lòng thanh toán các khoản chi trả của mình. Lạm phát phi mã, 1 Mác Đức không mua nổi thứ gì, nên các mệnh giá lớn hơn cứ thi nhau ra đời.
Năm 1922, Reichsbank buộc phải phát hành tờ mệnh giá 10.000 Mác, được danh họa bậc thầy Đức là Albrecht Durers thiết kế. Ông họa chân dung một thanh niên trẻ không rõ danh tính bên phải tờ tiền, đi kèm một thông điệp chính trị, phía vai trái của thanh niên lờ mờ một bóng ma cà rồng hút máu biểu trưng cho Pháp. Hình mờ này không dễ nhìn ra, cho đến khi nó bị phát hiện, Reichsbank vẫn cho in tiếp loại tiền có thông điệp này.
Nền kinh tế Đức không được cải thiện, 10.000 Mác Đức lúc phát hành có thể mua được 110kg thịt, đến cuối năm đó, nó chỉ còn mua được có 2kg thịt. Cho đến 1923, giá trị của nó chỉ còn sấp xỉ $1, và một năm sau nữa thì $1 đổi được 4.26 triệu Mác.
Bruce Phan, theo Listverse