Sự trưởng thành của một người được thể hiện trên nhiều khía cạnh: cảm xúc, đạo đức, xã hội, thể chất, trí tuệ. Và các bậc phụ huynh chính là những người đóng vai trò chủ chốt trong việc giúp trẻ phát triển những khía cạnh cần thiết đó, tạo nên một con người trưởng thành.
1. Giúp chúng học cách tự lập
Chúng ta không nên làm mọi thứ hộ trẻ. Chúng phải được học cách tự thay quần áo, tự buộc dây giày và soạn sách vở đến trường… Tất nhiên, phụ huynh thường có thể làm những thứ đó nhanh chóng và dễ dàng với nhiều kỹ năng và mẹo hơn, nhưng chúng ta cần sự bình tĩnh và để trẻ tự tìm tòi ra những điều đó. Không nên lúc nào cũng giúp đỡ trẻ mà nên để chúng hiểu rằng chúng có thể tự mình làm mọi thứ.
2. Tạo cơ hội cho trẻ lựa chọn những điều mà chúng muốn
Hãy cho trẻ cơ hội được lựa chọn. Chúng ta không nên quyết định rằng chúng cần thích cái gì và ghét cái gì. Hãy cho trẻ những lời khuyên và thảo luận về sự lựa chọn của mình với chúng. Và bạn cũng không được suy nghĩ rằng bạn hiểu biết hơn chúng, hãy cho trẻ cơ hội được chọn thứ mà chúng muốn.
3. Để trẻ tự làm mọi thứ một mình
Không nhất thiết lúc nào cũng phải đi kè kè ngay sát con mình. Khi trẻ lớn lên, chúng có thể tự đi học một mình hoặc tự bắt xe buýt đến trường. Đương nhiên, việc đi cùng trẻ sẽ khiến bạn thấy an tâm hơn và chắc chắn được rằng chúng đã đến trường an toàn.
Nhưng khi đến một độ tuổi nhất định và trẻ đã có nhiều phát triển về nhận thức, chúng sẽ tự biết được những quy tắc an toàn và hiểu rằng cần làm những gì khi đi trên đường. Thêm nữa, nếu trẻ có bạn bè đồng trang lứa, hãy để chúng đi học cùng nhau và thảo luận về bài tập hay những món đồ chơi mới trên đường đi.
4. Dạy trẻ cách tự kiểm soát
Đương nhiên, trẻ em rất nhạy cảm. Chúng có thể vô cùng hạnh phúc hoặc có khi sẽ khóc thét rất to khi ở trên đường. Đó chính là lúc bạn có thể dạy trẻ cách làm chủ cảm xúc của chính mình. Chúng cần tự ý thức được điều gì đang diễn ra, và nếu bạn mặc kệ những tiếng la thét đó, chúng sẽ dần quen và thể hiện tính xấu này ở mọi lúc mọi nơi.
5. Dạy trẻ phát triển tính kỷ luật, tự giác
Trẻ cần được dạy cách đặt mình vào khuôn phép kỷ luật và ý thức làm những việc cần thiết, kể cả khi những việc đó không liên quan đến vui chơi giải trí.
Đánh răng trước khi ngủ, cất đồ chơi đi và làm bài tập về nhà là những điều thiết yếu trong lộ trình một ngày của trẻ. Và thay vì kiểm soát chúng làm gì, hãy để cho trẻ tự làm bài tập về nhà và nhắc chúng đánh răng trước khi ngủ.
6. Để trẻ tự trả lời các câu hỏi
Việc để cho trẻ tự giao tiếp là một điều cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển tư duy cũng như kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Một đứa trẻ không nên lo lắng khi có ai đó hỏi chúng một điều gì, chúng nên được học cách tự trả lời câu hỏi và việc này nên trở thành một phản ứng tự phát với chúng. Nếu không, chúng sẽ trở nên rụt rè và ngại giao tiếp với mọi người.
7. Học cách lý giải nguyên nhân và hậu quả cho trẻ
Hãy tập cách giải thích với trẻ. Nếu bạn quát chúng, hãy chắc chắn rằng bạn đã giải thích vì sao bạn lại làm thế và lí giải chúng đã phạm phải lỗi gì.
Việc trẻ nhận ra những sai lầm của mình và tự rút ra bài học là một điều vô cùng quan trọng. Chúng nên được biết rằng hành động của chúng có thể dẫn đến những hậu quả nhất định gì.
8. Để trẻ mắc sai lầm
Đừng nên bao bọc trẻ quá mức. Tất nhiên, sẽ cần thiết khi khuyên bảo trẻ những điều gì gây nguy hiểm tới cuộc sống của chúng, nhưng chúng ta vẫn nên cho trẻ sự tự do ở các việc làm khác.
Điều này sẽ tạo cơ hội cho trẻ học được từ những sai lầm của mình và tự đúc kết lấy được những kinh nghiệm hữu ích cho tương lai. Hãy luôn nhớ rằng sai lầm, thất bại và những thất vọng luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người.
9. Giúp trẻ hình thành chính kiến riêng
Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta dạy trẻ được cách phản ánh và nhìn nhận nghiêm túc một vấn đề nào đó thông qua cảm xúc và sự hiểu biết của chúng.
Việc để trẻ được thể hiện quan điểm là một điều quan trọng vì nó giúp cho trẻ không bị tổn thương trước những trò đùa của bạn bè hay hành xử lạ theo chiều hướng xấu chỉ để chứng minh bản thân của mình với người khác.
Nếu trẻ có được khả năng này thì trong tương lai, đứa trẻ đó sẽ có trong mình sự kiên định và không bị lung lay trước tác động của một ai đó.
10. Đừng lúc nào cũng coi chúng như một đứa trẻ con
Khi trẻ 3 tuổi, hãy dần để chúng làm một số công việc trong nhà, ví dụ như dọn đồ chơi vào đúng chỗ, rồi dần dần mở rộng danh sách những việc nhà mà chúng cần làm khi lớn dần lên.
Điều này sẽ tác động đến sự phát triển, thấm nhuần sự siêng năng và tính kỷ luật vào trẻ cũng như dạy cho trẻ biết giúp đỡ người khác và tôn trọng công việc của mọi người.
Thanh Thiên (Theo Bright Side)