Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sở hữu ít nhất một lực lượng đặc biệt để đảm nhận chuỗi nhiệm vụ đặc thù với quá trình tuyển chọn và đào tạo hết sức nghiêm ngặt, sự tồn tại cũng như hoạt động của chúng vẫn còn là bí ẩn cho đến ngày nay.
Dưới đây là danh sách gồm 10 tổ chức quân đội đặc biệt hàng đầu trên thế giới. Con số này có thể không dừng lại ở đây hoặc thậm chí, những lực lượng “tử thần” hơn vẫn chưa được đưa vào danh sách.
1. Nhóm can thiệp Hiến binh quốc gia GIGN (Pháp)
GIGN là viết tắt của National Gendarmerie Intervention Group – Nhóm can thiệp Hiến binh quốc gia Pháp, đóng quân tại Satory, gần Paris và là đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố chính của Pháp. GIGN được thành lập năm 1974 sau vụ giết hại các vận động viên Israel tại Olympic Munich 1972 và vụ 11 người bị bắt làm con tin tại toà đại sứ Arập Saudi ở Paris. Ban đầu chỉ từ 15 người, GIGN đã dần phát triển trở thành một trong những đơn vị chống khủng bố thành công nhất thế giới. Về cơ bản, nhiệm vụ chính của GIGN là ngăn chặn, tiêu diệt các phần tử khủng bố, giải cứu con tin, chống bạo động và một số nhiệm vụ chiến đấu có tính chất nguy hiểm cao.
Hiến binh là một lực lượng “lai” giữa quân đội và cảnh sát. Mặc dù thuộc Bộ Quốc Phòng nhưng vai trò của hiến binh có nhiều nét tương đồng với cảnh sát. Chính điều này khiến GIGN có nhiều quyền hạn mà một đơn vị quân đội thông thường không có được, chẳng hạn như quyền bắt giữ nghi phạm bên trong nước Pháp. Ngoài ra, GIGN có thể vừa hoạt động như một đơn vị quân đội khi tham gia các chiến dịch chống khủng bố vừa có thể đóng vai trò như một đơn vị cảnh sát khi tham gia các hoạt động chống tội phạm.
Ban đầu, quy mô của GIGN giới hạn nhưng vụ bắt cóc hơn 1.000 con tin tại trường học ở Beslan và nỗ lực giải cứu sau đó thất bại khiến gần 400 con tin thiệt mạng đã khiến tổ chức này nhận ra cần phải có sự chuẩn bị cho những chiến dịch giải cứu con tin nghiêm trọng hơn. Do vậy từ năm 2007, đơn vị này đã được tái cấu trúc để tăng quy mô và đến nay đã tăng lên hơn 400 người.
Theo thông tin được công bố, vũ khí của GIGN rất hiện đại, bao gồm súng trường tấn công HK-416, Vepr-12, súng ngắn Glock-17, MR-73, SIG Pro SP 2022, tiểu liên FN-P90, MP5…. và các trang bị như áo, mũ chống đạn, thiết bị hỗ trợ khi di chuyển vào ban đêm và nhiều phương tiện hỗ trợ khác.
ABC News từng bình chọn GIGN là một trong 10 đội đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới và Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) cũng từng chọn GIGN làm đơn vị đào tạo chống khủng bố trên máy bay cho các quốc gia thành viên.
2. Đội đặc nhiệm SSG (Pakistan)
SSG (Special Services Group) là lực lượng đặc nhiệm của quân đội Pakistan được thành lập vào năm 1956, được xây dựng dựa trên mô hình của đội đặc Mỹ và lực lượng biệt kích của Anh SAS. Trong 4 sĩ quan ưu tú ứng tuyển thì chỉ có 1 người xuất sắc nhất được lựa chọn để tham gia khóa huấn luyện kéo dài trong 9 tháng với rất nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như các bài học thực hành và lý thuyết về chiến thuật, kỹ năng chiến đấu tay không, sử dụng vũ khí, nhảy dù, thể lực diễn ra trong rừng sâu, sa mạc, rừng nhiệt đới hay đầm lầy.
Mới đây nhất, SGG đã giải cứu thành công các con tin trong vụ tấn công vào Học viện cảnh sát Lahore và trụ sở Quân đội Pakistan.
3. Lực lượng đặc nhiệm Sayeret Matkal (Israel)
Sayeret Matkal là lực lượng đặc nhiệm của Israel, tập trung vào các hoạt động trinh sát, chống khủng bố và giải cứu con tin bên ngoài đất nước này. Sayeret Matkal được thành lập vào năm 1957 nhằm lấp đầy những khoảng trống còn thiếu hụt trong quân đội Israel và các thành viên được lựa chọn từ những ứng viên có đặc điểm thể chất cũng như trí tuệ xuất sắc nhất. Các ứng viên này sẽ trải qua 18 tháng tập luyện bao gồm trường đào tạo bộ binh cơ bản, học nhảy dù, huấn luyện chống khủng bố và các hoạt động trinh sát liên quan.
Đặc nhiệm Sayeret Matkal bắt đầu tham gia các nhiệm vụ đầu tiên vào năm 1960 nhưng phải đến vụ giải cứu con tin trên chuyến bay số hiệu 139 của Pháp tại sân bay Entebbe, Uganda năm 1976 thì thế giới thực sự mới được biết đến danh tiếng của tổ chức này. Theo đó, thành viên lực lượng đặc nhiệm Sayeret Matkal đã tổ chức tấn công tiêu diệt các phần tử khủng bố đang bắt giữ chiếc máy bay của Pháp cùng với toàn bộ hành khách. Vụ giải cứu diễn ra thành công và 6 không tặc đã bị tiêu diệt.
4. Đội đặc nhiệm EKO-Cobra (Áo)
Đội đặc nhiệm EKO-Cobra (Einsatzkommando Cobra) được thành lập với nhiệm vụ chính là chống khủng bố sau khi một cuộc tấn công vào các vận động viên Israel diễn ra tại sân vận động Munich Olympics vào năm 1972. Tổ chức này bao gồm 450 thành viên được tuyển chọn từ danh sách các sĩ quan xuất sắc nhất của lực lượng cảnh sát liên bang Áo. Tương tự như các đội đặc nhiệm khác, đặc nhiệm EKO-Cobra cũng trải qua rất nhiều tháng huấn luyện cả lý thuyết và thực hành bao gồm thiện xạ, khả năng ngôn ngữ, chiến đấu tay không hay chiến thuật.
Hiện nay, EKO-Cobra có nhiều cơ sở hoạt động tại các thành phố lớn của Áo như Graz, Linz, Innsbruck, Klagenfurt, Salzburg và Feldkirch.
5. Biệt đội Delta Force (USA)
Delta Force, tên đầy đủ là The First Special Forces Operational Detachment-Delta (Lực lượng đặc biệt hoạt động độc lập số 1) chịu trách nhiệm thực hiện các vụ giải cứu con tin, trinh sát, tấn công, chiến dịch chống khủng bố và một số hoạt động chiến đấu trực tiếp khác. Delta Force được thành lập vào năm 1977 sau khi mối lo ngại về các lực lượng khủng bố siêu mạnh tăng lên.
Các ứng viên muốn trở thành thành viên của Delta Force phải là nam giới 21 tuổi trở lên, đạt điểm số cao trong các bài kiểm tra năng khiếu và quân hàm từ hạ sĩ tới thượng sĩ. Sau khi vượt qua vòng sơ tuyển, những ứng viên tiềm năng sẽ trải qua một loạt bài test khắc nghiệt cả về thể chất lẫn tinh thần với mục tiêu làm lộ điểm yếu. Trung bình cứ 10 người thì chỉ có 1 người may mắn được lựa chọn để tham gia một khóa huấn luyện dài 6 tháng.
6. Lực lượng đặc nhiệm JTF2 – Canada
JTF2 (Joint Task Force 2) được thành lập vào năm 1993 và từ sau vụ khủng bố kinh hoàng diễn ra vào ngày 11/09/2011 thì JTF2 đã được mở rộng quy mô với hàng trăm thành viên, tập trung vào các nhiệm vụ đặc biệt cũng như hoạt động chống khủng bố.
JTF2 từng tham gia hộ tống các nhân vật quan trọng và bảo vệ an ninh tại các sự kiện lớn như Thế vận hội Mùa đông năm 2010. Lực lượng này cũng từng trải qua nhiều chiến dịch lớn như giải cứu con tin ở Iraq và tiêu diệt những tay bắn tỉa Serbia tại Bosnia. Tại chiến trường Afghanistan, JTF2 hoạt động cùng với các lực lượng đặc biệt của Mỹ như SEAL và sự tồn tại của JTF2 bí ẩn tới mức mà Bộ trưởng Canada khi đó cũng không hề biết tới sự liên quan của quân đội nước mình trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
7. Biệt đội Alpha (Nga)
Thành lập năm 1974, biệt đội Alpha còn có tên là Cục A thuộc Trung tâm Mục đích Đặc biệt (FSB) của Lực lượng An ninh Liên bang Nga.
Biệt đội Alpha nổi tiếng trong cuộc xung đột ở Afghanistan năm 1979. Khi đó, các thành viên Alpha bí mật đột nhập vào Dinh Tổng thống ở Kabul và triệt hạ hầu hết các phiến quân phản động. Năm 1985, một nhóm các thành viên của biệt đội này đã được cử đến Beirut – thủ đô của Lebanon để giải cứu 4 nhà ngoại giao Xô viết.
Mặc dù Liên Xô tan rã nhưng biệt đội Alpha vẫn tồn tại và tham gia hầu hết các hoạt động chống khủng bố, tiêu biểu là vụ khủng bố và bắt cóc con tin ở nhà hát lớn tại Moscow năm 2002 và trường Beslan năm 2004.
8. Biệt đội Shayetet 13 (Israel)
Shayete 13 là tổ chức hải quân đặc biệt của Israel được thành lập vào năm 1948, tham gia vào hấu hết các hoạt động quân đội ở đất nước này như giải cứu con tin, chống khủng bố, thu thập tin tức, tình báo. Hoạt động đáng chú ý nhất của Shayetet 13 là chiến dịch săn lùng và tiêu diệt những kẻ cầm đầu vụ tấn công các vận động viên Israel trong Thế vận hội Munich 1972.
9. Biệt đội SEAL – Mỹ
SEAL là tên gọi ngắn của Nhóm Triển khai Chiến tranh Đặc biệt Hải quân Mỹ, hoạt động cả trên biển (Sea), trên bộ (Land) và trên không (Air). Được thành lập năm 1962, đây là đội biệt kích bậc nhất lịch sử thế giới hiện nay, nổi tiếng nhất với vụ tiêu diệt thành công trùm khủng bố Osama bin Laden (thủ lĩnh của nhóm khủng bố Al Qaeda) ngày 02/05/2011.
Để đăng ký gia nhập SEAL, bạn phải là nam công dân Mỹ, từng phục vụ hoặc có “suất” trong Hải Quân Hoa Kỳ. Ngoài sức khỏe là yếu tố tiên quyết khi muốn trở thành quân nhân, những ai muốn đăng ký SEAL phải tốt nghiệp trung học với điểm tối thiểu là 220 ASVAB, thành thạo tất cả các yếu tố của ngôn ngữ tiếng Anh. Độ tuổi để đăng ký gia nhập SEAL là từ 17 (phải có sự đồng ý của bố mẹ) cho đến 30.
Nếu muốn trở thành thành viên của SEAL, bạn phải bơi được 500 yard (khoảng 460m) trong vòng dưới 12 phút 30 giây (tốt nhất là dưới 10 phút), chống đẩy 42 lần trong 2 phút (tốt nhất là trên 79 lần), 50 (tốt nhất là 79) lần đứng lên ngồi xuống trong 2 phút, chạy 2,4 km trong 11 phút 30s (tốt nhất là dưới 10 phút 20s). Tất cả đều phải đạt “tốt nhất”, đơn giản là bởi vì SEAL chỉ nhận một lượng học viên giới hạn trong mỗi lần tuyển chọn nên bạn cần phải đảm bảo được mức “tốt nhất là” nếu muốn mình có khả năng vượt qua.
Hiện tại, biệt đội SEAL có khoảng 2.500 thành viên trải dài trên mọi mặt trận của Mỹ trên thế giới. Để thuận lợi cho việc quản lý, Mỹ phân loại các SEAL bằng các số từ 1 đến 5 và 7 đến 9. Không có sự xuất hiện của số 6 vì đây được coi là đơn vị tinh nhuệ và bí ẩn nhất của lực lượng SEAL hiện nay. Biệt đội 6 bí ẩn đến mức mà Tạp chí New York Times từng đánh giá “SEAL Team 6 (ST6) như là “Jedi Knight” của nước Mỹ, là tinh hoa của những tinh hoa, là lực lượng “All Star” đúng nghĩa. ST6 luôn được giao những nghiệm vụ thuộc dạng “bất khả thi“. Họ là những “X Men“, “Superman” trong đời thực”.
10. Đặc nhiệm không quân SAS – Anh
SAS (Special Air Service) là lực lượng đặc nhiệm không quân Anh được thành lập năm 1941 và được xem là lực lượng đặc nhiệm chuẩn mực trên thế giới. Nhiệm vụ chính của SAS là tiến hành các chiến dịch quân sự đặc biệt, chống khủng bố ở trong nước cũng như ở nước ngoài. SAS giúp đào tạo binh sĩ đặc nhiệm của các nước khác, huấn luyện kỹ năng chiến tranh du kích và tác chiến trong điều kiện bất ngờ.
Để được trở thành thành viên của SAS, bạn phải đảm bảo điều kiện có thể bơi liên tục 2 dặm trong vòng 1,5 giờ, chạy 4 dặm trong vòng 30 phút; sau đó, tiếp tục vào trong rừng sâu để tham gia khóa học sinh tồn, rèn luyện kỹ năng định hướng và làm đủ mọi thứ miễn sao bạn có thể sống sót ra khỏi đó. Mặc dù chỉ là những bài thực hành mang tính chất kiểm tra khả năng của ứng viên nhưng mức độ thử thách lại vô cùng khốc liệt.
Trung bình, mỗi đợt tuyển chọn SAS có khoảng 125 ứng viên, nhưng số người được phục vụ trong lực lượng này chỉ còn 10 người sau khóa huấn luyện.
Tổng hợp