Vào ngày này 18 năm về trước, một tổ chức Đảng Cộng sản ngầm, hoạt động ngoài vòng pháp luật đã được tạo ra để bức hại hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công, những người đến từ mọi tầng lớp có thể có trong xã hội Trung Quốc. Tổ chức này, được đặt tên là 610 theo đúng ngày thành lập – ngày 10/6/1999.
Theo các nguồn tin của chính phủ, báo cáo của truyền thông phương Tây, và các nhân chứng của Pháp Luân Công, hàng chục triệu người dân Trung Quốc – từ nông dân đến các giáo sư trẻ hay viên chức quân đội – đã tham gia tập luyện Pháp Luân Công tại thời điểm đó. Ngày 26/4/1999, hãng tin Associated Press đưa tin, với nhiều người như vậy tin theo một môn tu luyện tinh thần độc lập với sự quản lý hay hệ tư tưởng của Đảng, nhiều viên chức cấp cao bắt đầu coi Pháp Luân Công như một mối đe dọa.
Việc này đã dẫn đến cuộc đàn áp, với những dấu hiệu ban đầu vào năm 1996, và leo thang với những vụ đánh đập và bắt bớ ở Thiên An Môn vào tháng 4/1999. Ngày 25/4, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung bên ngoài Văn phòng kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh, bên cạnh khu Hội đồng chính quyền Trung ương ở Trung Nam Hải, để yêu cầu dừng đàn áp.
Theo những tập hồi ký của Thủ tướng Chu Dung Cơ năm 1999, trước khi Giang Trạch Dân can thiệp, ông Chu đã giữ lập trường hòa giải với Pháp Luân Công và đã chuẩn bị hóa giải những bất bình.
Trong một chỉ thị vào ngày 7/6, Giang Trạch Dân đã chỉ đạo thiết lập một tổ lãnh đạo đặc biệt trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng để “nhanh chóng xử lý và giải quyết ‘vấn đề Pháp Luân Công'”. Ông Giang đã chỉ thị tổ lãnh đạo này nằm dưới quyền của Ủy viên Bộ Chính trị Lý Lam Thanh, “ngay lập tức tổ chức lực lượng” và “chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêu diệt [Pháp Luân Công]”.
Vài ngày sau, ĐCSTQ cũng đã thiết lập một văn phòng để xử lý các hoạt động hàng ngày. Phòng này có tên nội bộ là 610, hay “liu yao ling” – đặt theo ngày thành lập mùng 10 /6. Nó được thành lập không dựa trên một điều luật nào. Không có quy định chính thức chỉ ra nhiệm vụ của nó. Sự linh hoạt nằm ngoài vòng luật pháp của nó đã đến giới hạn trong những năm gần đây, với nhiệm vụ của nó được mở rộng.
Với thực tế rằng ĐCSTQ đã kiểm soát cả lực lượng an ninh lẫn quân đội, thì việc hình thành một cơ quan khác dường như là không cần thiết. Có một vài yếu tố có thể đã góp phần vào quyết định này của ông Giang Trạch Dân:
- Với số lượng hàng chục triệu người, các học viên Pháp Luân Công bao gồm cả những cá nhân trong lực lượng an ninh và quân đội. Điều này góp phần dẫn đến phán đoán rằng Pháp Luân Công đang lặng lẽ thâm nhập vào ĐCSTQ và bộ máy chính quyền. Ông Giang cảm thấy cần phải xây dựng một mạng lưới các đặc vụ an ninh đáng tin cậy để chống lại sức ảnh hưởng của Pháp Luân Công.
- Với nhiệm vụ có quy mô lớn như vậy, Giang Trạch Dân cần một lực lượng có khả năng tác chiến nhanh và mạnh mẽ mà không phải chịu sự kiểm soát nào. Ông Giang có thể đã không hình dung được rằng 18 năm sau đó, hàng triệu người vẫn đang tập và còn có những người mới, còn Phòng 610 có vẻ như vẫn phải tiếp tục tồn tại.
- Việc nhanh chóng thiết lập một tổ lãnh đạo mới đã gửi một tín hiệu xuống các hàng ngũ ĐCSTQ rằng chống lại Pháp Luân Công đã trở thành một nhiệm vụ ưu tiên mới.
- Với toàn bộ chiến dịch chống Pháp Luân Công là trái với luật pháp Trung Quốc, Giang Trạch Dân cần một lực lượng an ninh có thể hoạt động bên ngoài hệ thống pháp luật hiện hành và không chịu sự kiểm soát hay hạn chế nào khác.
Chức năng của Phòng 610
Giang Trạch Dân phát động chính sách khủng bố, thả chó ra. Dòng chữ trong tranh nói “La Cán và Phòng 610 — những con chó dữ giết hại dân lành vô tội”.
Phòng 610 có hai chức năng chính: liên kết các nhân viên tại các cơ quan nhà nước để hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ của phòng và trực tiếp chỉ huy các hoạt động chống lại Pháp Luân Công và ngăn cấm các nhóm tinh thần khác. Vai trò phối hợp đầu tiên bao gồm việc gây áp lực từ cơ quan chính quyền lên các nhân viên để bắt họ làm theo mong muốn của Phòng 610, ngay cả khi điều đó đi ngược lại luật pháp sở tại.
Một số luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công đã tố giác viên chức Phòng 610 phá bỏ thẩm quyền của quan tòa và cai tù trong việc thực hiện nhiệm vụ theo luật pháp.
Luật sư Giang Thiên Dũng nói các quan tòa đã thỏa hiệp và phán quyết các vụ việc liên quan đến Pháp Luân Công mà không quan tâm đến luật pháp Trung Quốc, thay vào đó, lại dựa vào sự can thiệp nằm ngoài pháp lý của Phòng 610 (Đài Á châu Tự do, 13/4/2010).
Trong khi đó, các luật sư Cao Trí Thịnh, Quách Quốc Đinh, và Vương Á Quân đã tố giác Phòng 610 can thiệp vào việc họ gặp thân chủ bị giam tại các trại lao động, nhà tù, và trại giam. Ngày 10/9/2010, Nhân quyền ở Trung Quốc đưa tin “Các luật sư bị đặc vụ “610” ngăn không cho bào chữa cho thân chủ”.
Thứ hai, Phòng 610 cũng có vai trò trực tiếp trong việc thực hiện các chính sách của tổ lãnh đạo. Trong đó, nó hầu như được miễn bị ảnh hưởng bởi ngay cả những cải cách tư pháp và pháp luật cơ bản của Trung Quốc, thường sử dụng các phương pháp kỹ thuật phi pháp ngược với luật pháp Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin đáng tin cậy đã mô tả Phòng 610 trực tiếp tham gia giết người ngoài vòng pháp luật, tra tấn, bức hại tình dục, và tịch thu tài sản phi pháp. Ví dụ, báo cáo của Điều tra viên đặc biệt về giết người ngoài vòng pháp luật năm 2009 của Liên hiệp quốc đã trích dẫn Phòng 610 dính líu đến các trường hợp học viên Pháp Luân Công chết trong nhà giam trước Thế vận hội. Các nhà hoạt động của Trung Quốc đã đưa ra chi tiết về những vụ bị giam cầm và tra tấn phi pháp có quy mô, mức độ nghiêm trọng vượt quá những điều thường được trích dẫn trong hệ thống thực thi luật pháp.
Phương thức hoạt động và tra tấn
Theo WashingtonPost, hàng triệu học viên Pháp Luân Công coi những bài giảng đạo đức, xoay quanh các nguyên lý Chân -Thiện – Nhẫn, như kim chỉ nam mang tính tinh thần của họ. Năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ đã tùy tiện coi những niềm tin này là “tà giáo” và “chuyển hóa” nhanh chóng trở thành mục tiêu quan trọng của Phòng 610.
Giống như chiến thuật “giáo dục lòng yêu nước” được sử dụng ở Tây Tạng, mục đích của việc lập trình lại tư tưởng này là nhằm phá vỡ ý chí thông qua sự ép buộc – được báo cáo lại là bao gồm tra tấn về thể chất và tinh thần, cấm ngủ và lợi dụng sự lôi kéo của các thành viên gia đình – để từ bỏ Pháp Luân Công, trung thành với ĐCSTQ, và cuối cùng tham gia cưỡng ép chuyển hóa người khác.
Tranh phấn màu trên giấy “Đánh hội đồng” của Vương Chí Bình, (22 in x 22 in), 2004.
Các viên chức Phòng 610 bắt giữ học viên mà không cần các trình tự pháp lý nào, họ tự cho mình quyền vượt trên pháp luật và công an cũng thường bắt học viên theo ý thích. “Cô Dương Lệ Vinh, 34 tuổi, ở phố Bắc Môn, thành phố Định Châu, quận Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Gia đình cô thường xuyên bị công an quấy rầy và đe dọa chỉ bởi vì cô tập Pháp Luân Công. Vào ngày 8 tháng 2 năm 2002, sau khi bị công an đột kích bất ngờ vào ban đêm, chồng cô Dương, là một người lái xe cho Phòng Tiêu chuẩn và Khí tượng, bị khủng hoảng tinh thần và sợ bị mất việc làm.
Tranh phấn màu trên giấy “Tra tấn phụ nữ” của Vương Chí Bình, (39in X 27.5in), 2004.
Anh không thể chịu được những áp lực nặng nề từ phía chính quyền. Sáng sớm hôm sau, lợi dụng lúc cha mẹ già đi ra khỏi nhà, anh ta đã bóp cổ vợ mình cho đến chết. Cô Dương chết một cách bi thảm, bỏ lại một đứa con trai 10 tuổi. Ngay sau đó, chồng cô đi báo cáo sự việc với chính quyền, và công an lập tức đến hiện trường để khám nghiệm tử thi cô Dương, lúc đó vẫn còn ấm. Chúng mổ và lấy nhiều nội tạng ra khỏi thân thể cô, trong khi các bộ phận nội tạng vẫn còn nóng ấm và máu vẫn phun ra. Một nhân viên Sở Công an Định Châu nói “Đây không phải là khám nghiệm tử thi, mà là giải phẫu sống!”” (trích dẫn từ một bài đăng trên trang web Minh Huệ ngày 25/09/2004).
Phòng 610 Không cần thông qua tòa án hoặc Viện Kiểm sát, các nhân viên Phòng 610 ra lệnh cho các nhân viên chính phủ các cấp và ủy ban ở các khu dân cư, bắt giữ các học viên và gửi họ vào các trung tâm tẩy não.
Lính canh tại các trại tẩy não cũng không phải là các chuyên gia thực thi luật pháp, nhưng họ có quá nhiều quyền hạn để ngược đãi học viên lạm mà không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả pháp lý nào. Không một ai tuân thủ theo trình tự pháp lý, cũng không thông báo việc bắt giữ cho gia đình học viên. Đó là lý do vì sao nhiều học viên đột ngột mất tích mà không có thông tin gì về họ.
“Cô Trương Phó Trân, khoảng 38 tuổi, là một nhân viên của công viên Hiện Hà, thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, Trung quốc. Cô đến Bắc Kinh vào tháng 11/2000 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và sau đó bị chính quyền bắt cóc. Theo những người hiểu biết về trường hợp này, công an đã tra tấn và làm nhục cô, lột hết quần áo của cô ra và cạo trọc đầu cô. Chúng trói cô vào một chiếc giường, chân tay bị buộc kéo căng ra bốn phía và vì thế cô buộc phải đi vệ sinh ngay ở trên giường. Sau đó công an đã tiêm vào người cô một loại thuốc độc không rõ tên. Sau khi bị tiêm thuốc độc, cô đã bị đau đớn đến nỗi gần như phát điên. Cô đã phải chịu đựng trong đau đớn tột cùng cho đến khi cô trút hơi thở cuối cùng. Các nhân viên của Phòng 610 tại địa phương đã chứng kiến toàn bộ sự việc này” , trích dẫn từ một bài đăng trên trang web Minh Huệ ngày 23/7/2004.
Ngày nay, những mục tiêu này vẫn là cơ bản cho hoạt động của Phòng 610, một bằng chứng cho thấy sự khó khăn của Đảng trong việc tiêu diệt nhóm người vốn không có tổ chức tập trung này.
Kết luận
Hoạt động của Phòng 610 đã từ lâu vượt xa khỏi nhiệm vụ chủ yếu của nó là tiêu diệt Pháp Luân Công. Giải trình trước Quốc hội Châu Âu, ông Hách Phượng Quân nói trong tháng 04 năm 2003, các nhà lãnh đạo Đảng đã chỉ thị cho Phòng 610 xử lý 28 các khác và các “tổ chức khí công gây hại”.
Những chức năng được mở rộng này vẫn còn hiệu lực đến ngày hôm nay, với các trang web của chính quyền địa phương vẫn thống kê chi tiết những cuộc điều tra của Phòng 610 về các nhóm tinh thần khác. Sự mở rộng này cho thấy Phòng 610 đã bám rễ trong bộ máy của ĐCSTQ. Khởi đầu là một tiểu tổ lãnh đạo tạm thời được lập ra để thực thi nhiệm vụ, Phòng 610 đã trở thành một cơ quan thường trực.
Điều này cũng chỉ ra rằng sự tồn tại của Phòng 610 đang làm xói mòn các quy định luật pháp – cho dù chính sách của nhà nước đối với tôn giáo là như thế nào, cơ quan này vẫn hoạt động dưới sự chỉ đạo của một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo Đảng mà không cần một vị trí chính thức nào. Những kết luận này còn có ý nghĩa lớn hơn khi Phòng 610 trở thành hình mẫu cho những sáng kiến mới của ĐCSTQ.
Từ năm 2008, các báo cáo chính thức, bài phát biểu, thông tư, đã đề cập đến một loạt những “tổ lãnh đạo” của ĐCSTQ với nhiệm vụ duy trì ổn định. Được biết, các chi nhánh của Phòng duy trì ổn định “đang được thiết lập ở mỗi quận và những con phố lớn” ở các thành phố giàu có. Họ chịu trách nhiệm “tìm kiếm những thành phần chống lại ĐCSTQ” (Tạp chí Wall Street, ngày 9/12/2009)
Sự xuất hiện của Phòng 610 và những phòng duy trì ổn định cho thấy các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nhìn nhận các cơ quan an ninh nội bộ, như Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia, hoạt động không hiệu quả. Việc những quan chức này ngày càng sử dụng nhiều các lực lượng an ninh riêng biệt và nằm ngoài luật pháp để bảo vệ quyền lực của họ không chỉ là một vết nhơ cho vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Nó còn đe dọa sự ổn định chính trị nội bộ của ĐCSTQ, nếu Phòng 610 bị chính trị hóa – giống như tiêu cực xảy ra trong cục phản gián trước phòng trào Cải cách và Mở cửa – trong bối cảnh tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 sắp tới.
TinhHoa tổng hợp