Chuyện cổ về 3 loại heo: heo cầm tinh, heo nghiệp báo, heo tình nghĩa

Mọi việc xảy ra trong cuộc đời đều có quan hệ nhân duyên của nó, chuyện tốt hay xấu đều không xảy ra ngẫu nhiên mà đã được an bài tùy thuộc vào những gì mà họ làm ở các đời trước. 

Con heo cầm tinh

Xưa có một phú ông mang họ Hợi. Nhà họ Hợi vô cùng giàu có, bạc vàng như núi, thóc lúa đầy kho, ruộng tốt vạn khoảnh. Chỉ có điều Hợi viên ngoại hiếm muộn, mãi đến khi tuổi đã gần hoa giáp mới có một mụn con, lại là đứa con trai nối dõi tông đường.

Vào ngày đầy tháng đứa trẻ, nhà họ Hợi tổ chức tiệc rượu linh đình, mời toàn bộ thân bằng cố hữu cùng với làng xóm láng giềng tới ăn uống no say. Trong bữa tiệc có vị thầy tướng số nọ, ông thầy đến xem mặt đứa bé và nói:

“Đứa trẻ này tai to trán rộng, khuôn mặt đầy đặn, vừa trắng lại vừa bụ bẫm, sau này tất sẽ phát tài phát lộc, đại phú đại quý”.

Hợi viên ngoại vui mừng khôn xiết, nên lại càng yêu chiều và chăm bẵm cho cậu con trai duy nhất của mình. Và quả thật đứa bé này sinh ra nhờ sao phúc, lớn lên cũng nhờ sao phúc, từ nhỏ đến lớn chỉ biết áo tới thì giơ tay, cơm tới thì há miệng, suốt ngày rong chơi sớm tối. Nhưng cũng chính vì quen sống trong nhung lụa nên nó không có chí học hành, cho rằng mình đã có số tài lộc rồi, chẳng cần lao khổ vẫn sẽ phú quý hơn người.

Đến khi Hợi công tử tới tuổi trưởng thành thì cũng là lúc cha mẹ qua đời. Cậu ta không có học vấn, lại không biết làm gì, suốt ngày chỉ tiêu xài phung phí, tài sản mẹ cha để lại cũng đến hồi cạn kiệt. Hợi công tử phải tha hương khất thực, cuối cùng chết đói bên vệ đường.

Sau khi chết, âm hồn của cậu ta được quỷ sai đưa xuống âm tào địa phủ. Cậu ta bèn đến trước mặt Diêm Vương kêu oan:

“Con vốn là người có tướng trời sinh phú quý, vậy sao lại phải chết thảm thế này?”

Diêm Vương không biết trả lời sao, đành đưa âm hồn cậu ta đến trước mặt Ngọc Đế, xin Ngọc Đế phán xử. Ngọc Đế lại triệu Táo thần đến hỏi, mới vỡ lẽ ra rằng vì cậu ta không chịu học hành, cũng không chịu làm lụng, suốt ngày chỉ ăn không ngồi rồi, tiêu xài vô độ, nên phúc lộc mới tiêu tán hết. Ngọc Đế nổi giận, bèn phán:

“Ngươi tuy số mệnh hơn người, nhưng lại lười biếng quen ăn mà chẳng quen làm. Nay phạt ngươi đầu thai làm kiếp con heo, chỉ được ăn cám thô uống nước lợ mà thôi”.

Đúng lúc ấy trên thiên đình đang chọn con vật làm tướng cầm tinh, trong con giáp mới tìm được 11 con vật, nay vẫn khuyết một con. Khi quan sai của thiên cung vâng lệnh Ngọc Đế, đưa cậu ta xuống trần đầu thai, vị quan sai đã nghe nhầm câu “吃粗糠” (nghĩa là ‘ăn cám thô’) thành “当属相” (nghĩa là ‘thuộc tướng cầm tinh’). Bởi vậy, từ đó vị công tử nhà họ Hợi đầu thai thành con heo ăn cám, đồng thời lại trở thành con vật cuối cùng trong 12 con giáp.

Từ đó vị công tử nhà họ Hợi đầu thai thành con heo ăn cám, đồng thời lại trở thành con vật cuối cùng trong 12 con giáp. (Ảnh: Internet)

Con heo nghiệp báo

Truyện kể rằng ở một ngôi chùa nọ có nuôi một con heo. Vì tuổi heo xấp xỉ tuổi đạo của vị sư trụ trì, lại là con heo có thâm niên gắn bó với nhà chùa, nên trụ trì thường gọi nó bằng cái tên “Trư hòa thượng”.

Trư hòa thượng được đại đệ tử của trụ trì chăm bẵm, mỗi ngày của nó đều trôi qua trong nhàn nhã, hết ăn lại ngủ, hết ngủ lại nằm. Tuy nhiên nó là một con heo có linh tính. Mỗi khi chuông chùa vang lên, nó đang nằm cũng cố ngóc đầu dậy một cách cung kính, cho đến khi tiếng chuông dứt hẳn mới thôi.

Một ngày nọ, trụ trì có việc phải đi xa, trước khi đi ông dặn các đệ tử trong chùa rằng:

“Trong khi ta đi vắng, nếu Trư hòa thượng xảy ra chuyện gì thì các con hãy xẻ thịt rồi chia đều cho hàng xóm mỗi người một miếng. Đừng quên lời dặn của ta đó”.

Các đệ tử nghe nói đến việc mổ thịt, trong lòng thấy rất khó hiểu nhưng không ai dám lên tiếng, chỉ vâng vâng dạ dạ cho xong. Ai cũng nghĩ rằng Trư hòa thượng khỏe mạnh thế kia, làm sao mà xảy ra chuyện gì bất trắc cho được?

Nhưng thật không ngờ, trụ trì vừa mới đi vắng được một ngày thì Trư hòa thượng lăn đùng ra chết. Các đệ tử đều vô cùng khó xử, người xuất gia mà đi mổ thịt heo sao? Chuyện này quả thực là động trời, không sao chấp nhận được. Thế là, họ bèn họp bàn với nhau, quyết định đem Trư hòa thượng đi chôn cất cho vẹn tròn đạo lý.

Khi trụ trì về mới hay sự đã rồi, ông bèn kể lại rằng:

“Trư hòa thượng kiếp trước từng là người tu Phật. Nhưng vì phạm tội sát sinh nên mới phải đầu thai làm heo trong kiếp này. Khi làm kiếp con heo, vì luôn tỏ lòng kính ngưỡng đạo Phật nên tội nghiệp đã được tiêu trừ khá nhiều, nhưng rốt cuộc vẫn không thoát khỏi kiếp nạn cuối cùng: ‘loạn đao phân thây’. Sở dĩ ta bảo các con mổ thịt heo đem chia cho dân làng là để giúp nó trả hết nợ nghiệp, hóa giải ác duyên, như thế đời sau mới mong sống yên ổn. Nhưng vì các con không nghe lời, Trư hòa thượng sẽ còn phải trở lại đây để trả nốt món nợ phân thây ấy”.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, vị sư trụ trì cũng đã viên tịch, còn đại đệ tử thì thay ông lên làm trụ trì trong chùa. Một ngày nọ, có vị quan huyện mới nhậm chức tới thăm chùa nhà, tân trụ trì đã ra đón tiếp nồng hậu. Hai người vừa gặp mà như đã quen thân. Quan huyện được trụ trì dẫn đi vãn cảnh chùa, vừa đi ông vừa cảm khái như cố nhân xa cách lâu ngày nay mới trở về chốn cũ. Từ đó ngày nào quan cũng đến chùa đàm đạo với các chư tăng.

Nhưng rồi một ngày, vị quan huyện rất được mọi người yêu mến ấy lại bị triệu về kinh thành…

Không rõ vì duyên cớ gì, mà quan huyện bị triều đình phán cho tội phản nghịch, bị chém đầu rồi phân thây giữa bạch nhật thanh thiên. Tin tức nhanh chóng loan đến chùa, khiến tất cả tăng ni và đại chúng bàng hoàng sửng sốt. Một vị quan hiền đức như thế, cớ sao lại bị gán cho tội phản nghịch cho được? Các chư tăng vốn là bạn bè thâm giao của quan đều thương tiếc, đặc biệt là vị sư trụ trì. Ông cũng chính là người đã từng chăm bẵm cho Trư hòa thượng năm xưa, nay lại trở thành người bạn thân thiết nhất của vị cố quan tri huyện.

Một ngày kia, khi trụ trì đang ngồi tọa trong thiền phòng thì bỗng một cơn gió thoảng đến. Trong gió có tiếng nói thì thầm: “Tôi là quan tri huyện, cũng là Trư hòa thượng năm xưa, nay đến vĩnh biệt ngài để tạ ơn tri ngộ”.

Trụ trì bồi hồi xuất định, ông ngước lên nhìn trời mà cảm thán: “Quả đúng là mọi việc xảy ra đều chẳng hề ngẫu nhiên, hết thảy đều đã định số rồi!”.

(Ảnh minh họa)

Con heo tình nghĩa

Xưa ở một ngôi làng nọ có gia đình nuôi một con heo. Con heo này rất hiền lành ngoan ngoãn, nhưng chỉ riêng với ông lão hàng xóm thì nó lại tỏ ra hung bạo. Mỗi lần ông lão sang chơi nhà, con heo lại nhìn ông trừng trừng như muốn phá tung chuồng heo để chạy ngay tới húc đầu vào ông lão. Dĩ nhiên là ông lão giận lắm, chỉ muốn làm thịt heo ăn cho hả giận. Nhưng tiếc là gia cảnh ông lão khó khăn, phải tích cóp từng đồng mới có thể đủ tiền mua con heo về.

Mãi cũng đến ngày ông lão tích đủ tiền để mua heo. Ông cầm túi tiền chạy sang nhà hàng xóm, nhưng vừa nhìn thấy con heo đột nhiên ông tỉnh ngộ: “Con heo này hung dữ với ta như vậy, chẳng phải chính là do oán thù từ kiếp trước mà ra hay sao? Nay ta lại vì oán thù mà giết nó, há chẳng phải là oan oan tương báo, rồi sẽ chẳng bao giờ kết thúc sao? Vậy ta quyết phải hóa giải nỗi oán thù này, mới mong tạo phúc được về sau”.

Nghĩ rồi, ông bèn mua con heo về nhà nuôi nấng, ngày ngày đều nấu cám cho ăn, khi nó ốm lại săn sóc tận tình, tuyệt nhiên không còn nghĩ đến chuyện giết mổ heo. Con heo thấy ông lão đối tốt với mình, bèn chuyển thái độ từ thù thành bạn, trở thành con vật nuôi thân thiết trong gia đình.

Người trong làng ai cũng biết rằng con heo luôn tỏ ra hung bạo với ông lão, nay thấy nó ngoan ngoãn hiền lành trong nhà ông lão thì ai nấy đều ngạc nhiên tự hỏi: Vì cớ gì mà con vật lại có tình có nghĩa như thế?

Có bậc học giả biết được câu chuyện này, bèn ngâm nga bài thơ của Lý Diễn. Thơ rằng:

“Chí nhân kị mãnh hổ, ngự chi do kì kí. 
Khởi y bản tuần lương? Đạo lực tiêu kì chí. 
Nãi tri thiên địa gian, hữu tình giai khả khế. 
Kì bảo kim thạch tâm, vô vi đa uý kị.”

Tạm dịch:

Người có đạo hạnh rộng lớn cưỡi mãnh hổ 
Chế ngự nó giống như chế ngự ngựa kì ngựa kí 
Há bản tính nó thuần lương sao? 
Mà nhờ vào đạo lực hoá giải tính hung dữ của nó

Từ đó mới biết trong khoảng trời đất
Mọi vật nếu có tình thì có thể trở thành bạn thân 
Giữ vững lòng vàng đá đối xử chân thành 
Chớ có sợ hãi nghi kị nhau mà thành đối địch.

Thế mới biết trong trời đất này, không phải vì dã thú sinh ra đã thuần lương, mà chính là vì có lòng người cảm hóa. Ngay cả con heo vốn là con vật bị người ta gán cho hai chữ “đần độn”, thì cũng có thể thông tỏ đạo lý, thay tâm đổi tính nhờ sức mạnh nhân đức của con người.

Theo ĐKN

Ad will display in 09 seconds

Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

Ad will display in 09 seconds

Con người ngày nay có thể tu luyện không?

Ad will display in 09 seconds

Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

Ad will display in 09 seconds

Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

  • Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

    Truyền thuyết hoa Ưu Đàm Bà La

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

    Vô lễ làm nhục Phật, quả báo 9 vạn năm

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

    Tinh Hoa kể chuyện: Bao Công mộng hồ điệp

  • Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

    Thế nào là tích đức? Âm đức là gì mà quý giá vậy?

  • Con người ngày nay có thể tu luyện không?

    Con người ngày nay có thể tu luyện không?

  • Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

    Đã tìm ra lời giải của thuật trường sinh

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

    Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài?

  • Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?

    Được vua gả con gái xinh đẹp, vì sao Yến Anh lại từ chối?